Thị trường chứng khoán 29/5: VN-Index mất mốc tham chiếu, nhóm bất động sản và ngân hàng gặp áp lực bán mạnh

Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 3,25 điểm, giao dịch quanh mức 1.278,48 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm, giao dịch quanh mức 245 điểm.

 VN-Index mất mốc tham chiếu, nhóm bất động sản và ngân hàng gặp áp lực bán mạnh (Ảnh: NT)

VN-Index mất mốc tham chiếu, nhóm bất động sản và ngân hàng gặp áp lực bán mạnh (Ảnh: NT)

Đầu phiên giao dịch buổi sáng, nhóm sản xuất nhựa – hóa chất dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, tâm lý giao dịch diễn biến giằng co khiến các chỉ số chính biến động dưới mốc tham chiếu khiến cho nhóm bất động sản và ngân hàng gặp áp lực bán mạnh. Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 3,25 điểm, giao dịch quanh mức 1.278,48 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm, giao dịch quanh mức 245 điểm.

Đầu phiên 29/05, tính tới 9h30, VN-Index tăng nhẹ và dao động quanh mức tham chiếu, gần mức 1.282 điểm. HNX-Index có sự tăng nhẹ, giữ mức 246,5 điểm.

Giá dầu WTI đã tăng gần 3% vào ngày thứ Ba (28/05), sau khi suy giảm trong tuần trước khi thị trường tập trung vào cuộc họp quan trọng sắp tới của OPEC+. Ngày 02/06 tới đây, OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến để xem xét chính sách sản lượng. Bên cạnh đó, một số thành viên OPEC+ đang tự nguyện cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu.

Chuyên gia phân tích Michael Hsueh của Deutsche Bank cho biết các quốc gia OPEC+ khó có thể tăng sản lượng do giá dầu Brent hiện tại gần mức 80 USD/thùng chứ không phải 90 USD/thùng. Đồng thời, Deutsche Bank tiếp tục duy trì dự báo dầu Brent hiện tại sẽ đạt mức 83 USD/thùng trong quý 2 và 88 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, nếu OPEC+ duy trì chính sách sản lượng vào ngày 02/06.

Tính tới 9h30, nhóm sản xuất nhựa – hóa chất đang dẫn đầu với mức tăng 2,35% trong phiên sáng nay. Trong đó, nổi bật là các mã cổ phiếu như GVR tăng 3,23%, PHR tăng 1,77%, DGC tăng 2,44%, NTP tăng 2,56%, DPM tăng 1,93% và DCM tăng 1,56%.

Bên cạnh đó, nhóm chế biến thủy sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực cho chỉ số thị trường chung. Điển hình là các mã cổ phiếu như VHC tăng 1,22%, ANV tăng 0,63%, ASM tăng 2,11% và IDI tăng 1,25%,...

Tâm lý giao dịch diễn biến giằng co khiến các chỉ số chính biến động dưới mốc tham chiếu. Tính đến 10h40, VN-Index giảm nhẹ 1,95 điểm, giao dịch quanh mức 1.279 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm, giao dịch quanh mức 245 điểm.

Rổ VN30-Index tiếp tục nhuộm sắc đỏ khi hầu hết các mã cổ phiếu đều đang gặp áp lực bán khá mạnh và độ rộng mã giảm/mã tăng hiện tại là 25/5 mã. Trong đó, các mã FPT, HDB, HPG và ACB lần lượt lấy đi 2,3 điểm, 0,84 điểm, 0,78 điểm và 0,68 điểm từ chỉ số chung. Trái lại, chỉ còn lại 5 mã giữ được sắc xanh là GAS, MSN, GVR, PLX và SSI nhưng mức tăng cũng không đáng kể.

Ngành bất động sản tiếp tục là “gánh nặng” của thị trường chung với diễn biến phân hóa và có phần kém sắc khi đa phần các mã vốn hóa lớn đều bao trùm bởi sắc đỏ bi quan. Cụ thể, VIC giảm 1,11%, VHM giảm 0,38%, BCM giảm 0,96% và KDH giảm 0,83%...

Tuy nhiên, một diễn biến trái chiều lại xảy ra khi các mã vốn hóa nhỏ ghi nhận mức tăng kịch trần như AAV, API, EVG, IDJ, HU1. Tính đến 10h30, đây là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị giao dịch khi đạt hơn 1.100 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, trong diễn biến chung không mấy tích cực đó, đáng chú ý khi DXS bật tăng mạnh đồng thời xuất hiện mẫu hình nến thân dài và phá vỡ thành công cạnh trên của mẫu hình Triangle kèm theo khối lượng giao dịch vượt mức trung bình 20 phiên chứng tỏ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đang hiện hữu. Bên cạnh đó, đã xuất hiện giao cắt vàng (Golden Cross) giữa đường SMA 50 ngày và SMA 100 ngày trong bối cảnh MACD tiếp tục hướng đi lên và nằm trên mức 0 sau khi cho tín hiệu mua càng củng cố thêm cho đà phục hồi hiện tại. Nếu đà tăng được duy trì trong thời gian tới thì mục tiêu giá (price target) tiềm năng là 12.200-12,700.

Theo sau là nhóm ngân hàng cũng ghi nhận áp lực bán trên diện rộng với hầu hết các mã đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VCB giảm 0,66%, BID giảm 0,81%, CTG giảm 1,24% và TCB giảm 0,64%... Chỉ còn lại duy nhất hai mã LPB và NVB vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng lần lượt là 0,2% và 2,06%.

So với đầu phiên, độ rộng thị trường tiếp tục tập trung ở nhóm mã tham chiếu với hơn 930 mã. Bên bán vẫn chiếm ưu thế vượt trội hơn. Số mã giảm là 333 mã (với 8 mã giảm sàn) và số mã tăng là 302 mã (với 25 mã tăng trần).

Kết phiên giao dịch sáng hôm nay, VN-Index giảm 3,25 điểm, tạm thời dừng ở mức 1.278,48 điểm; Khối lượng giao dịch đạt hơn 441.641 triệu đơn vị, tương ứng hơn 10,5 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 165 mã tăng giá, 69 mã tham chiếu và 239 mã giảm giá.

Rổ VN30 giảm 10,67 điểm, ở mức 1.289,08 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 116.452 triệu đơn vị, tương ứng hơn 3,8 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 5 mã tăng và 25 mã giảm.

HNX-Index tăng 0,02 điểm, ở mức 245,6 điểm, khối lượng giao dịch đạt hơn 39.642 triệu đơn vị, tương ứng hơn 768 tỷ đồng. Toàn sàn có 83 mã tăng giá, 47 mã đứng giá và 80 mã giảm giá.

Upcom tăng 0,58 điểm, ở mức 96,2 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 38.303 triệu đơn vị, tương ứng hơn 578 tỷ đồng. Toàn sàn có 135 mã tăng giá, 90 mã đứng giá và 104 mã giảm giá.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-295-vn-index-mat-moc-tham-chieu-nhom-bat-dong-san-va-ngan-hang-gap-ap-luc-ban-manh-382472.html