Thị trường chứng khoán: Một tuần giảm mạnh, thị trường chưa có tín hiệu nổi bật cho việc tạo đáy tích cực

Thị trường chứng khoán tuần (23 - 27/10) biến động mạnh, đặc biệt là phiên giảm sâu ngày 26/10. Mặc dù VN-Index có hồi nhẹ phiên cuối tuần nhưng chỉ là nhịp hồi kỹ thuật. Thanh khoản thị trường suy giảm và duy trì trên nền thấp, ngoại trừ phiên tăng đột biến ngày 26/10. Sau tuần giảm mạnh, mặt bằng giá đã về mức thấp, nhưng tâm lý thận trọng vẫn lớn và thị trường vẫn chưa có tín hiệu nổi bật cho việc tạo đáy tích cực.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần cuối tháng 10/2023 (23 - 27/10) diễn biến kém tích cực, đặc biệt là phiên điều chỉnh mạnh ngày 26/10. Nếu loại trừ phiên này, thị trường vẫn diễn biến giằng co trong tuần trên nền thanh khoản thấp.

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Inex dừng lại tại 1.060,62 điểm, giảm mạnh -47,41 điểm (-4,3%); chỉ số HNX-Index đạt 218,04 điểm, giảm -10,41 điểm (-4,6%); chỉ số UPCoM-Index dừng lại ở 83,1 điểm, giảm -2,52 điểm (-2,9%) so với phiên cuối tuần trước.

Cổ phiếu các nhóm ngành cũng biến động rất mạnh trong tuần qua. Bất động sản là tâm điểm của thị trường trong tuần khi có những biến động rất mạnh, tiêu cực với nhóm vốn hóa lớn và đa số các mã khác như VHM (-11,91%), LGL (-10,31%), NBB (-8,84%), NDN (-8,65%), CII (-7,08%)... Trong khi một số mã vẫn có diễn biến phục hồi tốt, kết thúc tuần tăng điểm nhờ phiên tăng giá hết biên độ cuối tuần như CEO (+1,5%), DXG (+3,88%), DIG (+3,93%)...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau tuần giảm điểm mạnh trước đó, tiếp tục có tuần giao dịch kém tích cực, đa số vẫn giảm điểm mạnh, thanh khoản gia tăng ở mức trên trung bình như MBS (-10,63%), AGR (-10,27%), FTS (-10,17%), PSI (-10,11), VIX (-9,33%)...

Điểm số giảm mạnh làm VN-Index đánh mất các ngưỡng hỗ trợ và trở lại khu vực nền tích lũy cũ 1.000 điểm - 1.100 điểm. Việc giảm mạnh bất ngờ trong phiên 26/10 có thể khiến các chỉ báo kỹ thuật xấu hơn và cũng có thể làm nhiều nhà đầu tư chịu áp lực hơn nếu sử dụng đòn bẩy.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh nhưng phân hóa và tích cực hơn so với thị trường chung khi có những mã tăng giá so với tuần trước với LPB (+5,15%), SSB (+4,50%), BID (+3,70%), VCB (+0,24%)... ngoài ra, đa số chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh như NVB (-11,50%), PGB (-9,43%), VPB (-6,48%), MSB (-5,38%)...

Các nhóm ngành khác hầu hết đều có diễn biến kém tích cực trong tuần với áp lực bán mạnh và chỉ phục hồi tốt khi thị trường vào vùng quá bán ngắn hạn, ngoại trừ một số mã rất nổi bật, thanh khoản đột biến như YEG (+21,57%), CTD (+7,45%), HAG (+7,36%), LPB (+5,15%)...

Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán tuần qua giảm khá mạnh. Ngoại trừ phiên tăng đột biến ngày 26/10 khi ghi nhận hơn 27.000 tỷ đồng, thì các phiên còn lại chỉ xoay quanh mức dưới 15.000 tỷ đồng.

Trên HOSE, tổng giá trị giao dịch giảm về mức 70.404 tỷ đồng; bình quân giá trị giao dịch đạt 14.081 tỷ đồng/phiên, giảm -10,3% so với tuần trước. Trên HNX, giá trị giao dịch đạt 9.183 tỷ đồng; bình quân giá trị giao dịch trong tuần đạt 1.837 tỷ đồng/phiên, giảm -10,5% so với tuần trước. Tương tự, trên sàn UPCoM, tổng giá trị giao dịch suy giảm còn 2.714 tỷ đồng; bình quân giá trị giao dịch đạt 543 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh -26,5% so với tuần kế trước.

Khối ngoại quay lại bán ròng với giá trị tương đối lớn trong tuần qua. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng -1.037 tỷ đồng tuần qua, trong khi tuần trước khối này mua ròng +914 tỷ đồng. Với việc bán ròng tương đối mạnh tuần này, giá trị lũy kế bán ròng tính từ đầu năm đến nay của khối ngoại nâng lên mức -9.458 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua chịu tác động từ khá nhiều thông tin bất lợi từ kinh tế vĩ mô thế giới, và tình hình xung đột leo thang ở một số quốc gia. Ở trong nước, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc. Theo thông tin tại kỳ họp, Chính phủ nỗ lực phấn đấu, đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,5%.

Trong tuần, Thủ tướng cũng đã ký Công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tín dụng cho bất động sản. Ngoài ra, việc VIC công bố thông tin về việc chào bán trái phiếu quốc tế cũng một phần tác động tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường phiên 26/10.

Nhìn chung, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng không xấu đi, đến thời điểm hiện tại GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng dù tôc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng. Tình hình địa chính trị thế giới đang tồn tại nhiều bất ổn. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát.

Với tình trạng vĩ mô hiện tại, nhịp hồi phục từ đầu năm đã phản ảnh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

Biểu đồ kỹ thuật hợp chỉ số VN-Index. Nguồn: SSI Research.

Biểu đồ kỹ thuật hợp chỉ số VN-Index. Nguồn: SSI Research.

Trên thị trường chứng khoán, điểm số giảm mạnh làm VN-Index đánh mất các ngưỡng hỗ trợ và trở lại khu vực nền tích lũy cũ 1.000 điểm - 1.100 điểm. Việc giảm mạnh bất ngờ trong phiên 26/10 có thể khiến các chỉ báo kỹ thuật xấu hơn và cũng có thể làm nhiều nhà đầu tư chịu áp lực hơn nếu sử dụng đòn bẩy.

Các chỉ báo kỹ thuật như chỉ báo sức mạnh (RSI) rơi vào vùng quá bán; chỉ báo xu hướng (ADX) vẫn chưa có tín hiệu nổi bật cho đánh giá thị trường tạo đáy tích cực.

Tuy nhiên, thị trường vẫn cần những phiên tạo cảm xúc mạnh, đủ kích thích để lôi kéo dòng tiền trở lại. Phiên biến động mạnh tuần qua cũng là một tín hiệu cho thấy khi giá giảm sâu sẽ kích mạnh dòng tiền bắt đáy mạnh.

Con số tổng giá trị khớp lệnh hơn 23,5 nghìn tỷ đồng trong phiên là một minh chứng. Còn quá sớm để khẳng định xu hướng mới cho thị trường trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, trong quá trình tích lũy và giá đã về mặt bằng thấp, những phiên bật nẩy kỹ thuật trong từng phiên riêng lẻ vẫn có thể xuất hiện.

Nhận định về thị trường tuần mới, các chuyên gia SHS cho rằng, thị trường vẫn đang vận động lỏng lẻo và sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy. Thị trường khả năng sẽ có nhịp hồi kỹ thuật do VN-Index rơi vào trạng thái quá bán. Vì thế, nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao nếu có giải ngân, nhưng cũng nên cẩn trong vì nhịp hồi kỹ thuật có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn thị trường vẫn đang đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.

Theo SSI Research, các chỉ báo kỹ thuật như chỉ báo sức mạnh (RSI) rơi vào vùng quá bán; chỉ báo xu hướng (ADX) vẫn chưa có tín hiệu nổi bật cho đánh giá thị trường tạo đáy tích cực. Như vậy, chỉ số VN-Index sẽ duy trì quanh vùng 1.054 - 1.062 điểm trước khi có dấu hiệu khả quan hơn./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-mot-tuan-giam-manh-thi-truong-chua-co-tin-hieu-noi-bat-cho-viec-tao-day-tich-cuc-138437.html