Thị trường Halal - Cơ hội mới cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Các loại thực phẩm, sản phẩm từ sữa, bánh mỳ, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, dược phẩm, nước hoa... được coi là dồi dào, phong phú, rất thích hợp với thị trường Halal - các sản phẩm dành riêng cho người Hồi giáo. Thị trường mới lạ nhưng đầy tiềm năng này đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cũng như bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong việc khai thác hiệu quả, tiến tới chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Người Hồi giáo chọn mua các sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tân An

Người Hồi giáo chọn mua các sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tân An

Tiến sâu vào thị trường Halal

Theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "được phép" hoặc “hợp pháp” theo quy định của kinh Qur'an và luật Shariah của người Hồi giáo. Trên thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo cư trú tại 57 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo, chiếm khoảng 25% dân số thế giới.

Người Hồi giáo chỉ ăn, sử dụng những gì được chứng thực Halal theo luật Shariah, đây là yêu cầu bắt buộc có từ rất lâu của người Hồi giáo. Các sản phẩm Halal không chỉ đơn thuần liên quan đến việc sản phẩm đó không chứa cồn, không chứa thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn và việc giết mổ phải theo nghi lễ Hồi giáo. Phạm vi của Halal rộng hơn, nhấn mạnh tính trong sạch của sản phẩm, gần nhất với trạng thái tự nhiên của chúng. Điều này áp dụng cho những sản phẩm không chứa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón, chất bảo quản có hại, chất thải, kháng sinh, hàng hóa bị cấm và các sản phẩm biến đổi gen.

Triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con và các doanh nghiệp trên địa bàn về những quy định bắt buộc của thị trường Halal; tổ chức các hội thảo nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường Halal, thúc đẩy quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường; thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, tăng cường hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển...

Thời gian qua, tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm Halal đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, nhất là vấn đề vệ sinh và an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc nó mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận đến thị trường Halal. Vậy tại sao Việt Nam là một nước nông nghiệp với những sản phẩm nông, thủy hải sản, thực phẩm phong phú của đồng bào dân tộc như: Cà phê, gạo, hạt điều, tiêu, trái cây tươi, chiết xuất cà phê, thực phẩm chế biến, cà phê rang, sắn khô, tinh bột sắn, các loại hạt, trái cây chế biến, bánh ngọt, trà, bánh kẹo, thức ăn gia súc, mật ong tự nhiên, quế, đồ uống không cồn và nước trái cây, nước giải khát... lại chưa thể tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này?

Theo lý giải của ông Trần Xuân Giáp, Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam (HCA), thị trường Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thủy sản... Hiện, số lượng các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hồi giáo còn quá ít, do các doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin cũng như chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển các sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, để thâm nhập vào thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam từ thực phẩm, đồ uống, thời trang may mặc phải sản xuất theo quy trình, đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn của Halal và phải được cấp giấy chứng nhận sản phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Halal. Chứng nhận sản phẩm Halal có nghĩa là sản phẩm được xác nhận không có các thành phần Haram (bị cấm) và đảm bảo sự tinh khiết trong quá trình sản xuất.

Dấu chứng nhận này được cấp cho một sản phẩm cụ thể hay nhiều sản phẩm cụ thể trong một doanh nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, được đánh giá là rất tiềm năng nhưng để thu hút khách người Hồi giáo, các dịch vụ ở Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí của người dân và các quốc gia này. Việc đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ Halal sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo.

Đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang với nghề nuôi ong lấy mật, trở thành sản phẩm chất lượng, thu hút nhiều khách hàng trên thế giới, trong đó có thị trường Halal. Ảnh: Tân An

Đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang với nghề nuôi ong lấy mật, trở thành sản phẩm chất lượng, thu hút nhiều khách hàng trên thế giới, trong đó có thị trường Halal. Ảnh: Tân An

Còn đó những thách thức

Như đã nói ở trên, các sản phẩm Halal thể hiện tính bền vững, chăn nuôi nhân đạo, tôn trọng môi trường, an toàn vệ sinh và nâng cao giá trị trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Halal là quy trình tuân thủ “từ nông trại đến bàn ăn” ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng sản xuất: Cung ứng đầu vào, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kho bãi, vận chuyển, hậu cần, phân phối, tiêu dùng... Quy mô thị trường sản phẩm Halal là rất lớn, tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm của bà con các dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Halal này.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định, thị trường Halal có thể sẽ tạo “đòn bẩy” để phát triển thương mại và du lịch, song Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn để có thể thu hút hiệu quả dòng khách này, bởi để thâm nhập vào thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam từ thực phẩm, đồ uống, thời trang may mặc phải sản xuất theo quy trình, đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn và những yêu cầu rất khắt khe. Trong đó, chọn nguyên liệu là thách thức lớn nhất cho sản xuất sản phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định cấm hàm lượng cồn trong sản phẩm, chỉ có Malaysia chấp nhận ở mức dưới 0,05%, Indonesia chấp nhận ở mức 0,03%, nhưng không được cho trực tiếp vào sản phẩm mà chỉ chấp nhận hàm lượng cồn này phát sinh ra trong quá trình lên men. Ngay cả những nhà cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất cũng phải cam kết những nguyên liệu cung cấp là Halal.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dịch vụ cho các sản phẩm của Hồi giáo tại Việt Nam còn thiếu; việc thiếu thông tin, hiểu biết và nhận thức về văn hóa Hồi giáo cũng đang là rào cản khiến nhiều địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa khai thác hiệu quả thị trường giàu tiềm năng này...

Tại Hội nghị Halal toàn quốc, tổ chức ngày 22/10/2024 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp Halal như một “cầu nối” kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt với các quốc gia Hồi giáo. Ngành công nghiệp Halal Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn mạnh với tiềm năng thị trường trị giá 10.000 tỷ USD vào năm 2030, mang đến cơ hội mở rộng cho các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, dệt may, công nghiệp hỗ trợ và logistics.

Tân An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thi-truong-halal-co-hoi-moi-cho-san-pham-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post483584.html