Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới: Giá dầu và nông sản tiếp tục giảm

Trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, giá dầu ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp suy yếu; nhóm nông sản cũng chìm sâu trong sắc đỏ, trong đó nổi bật là đà suy yếu của mặt hàng ngô.

Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ bao trùm thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch vừa qua.

Đóng cửa, chỉ số MXV-Index rơi mạnh hơn 2% về mức 2.169 điểm.

Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp suy yếu.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, nhóm nông sản cũng chìm sâu trong sắc đỏ, trong đó nổi bật là đà suy yếu của mặt hàng ngô.

Theo ghi nhận của MXV, giá dầu vừa trải qua tuần giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh thị trường toàn cầu đối diện nhiều bất ổn về nguồn cung, đồng thời tâm lý nhà đầu tư chịu sức ép trong bối cảnh vẫn còn nhiều những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế số một thế giới.

Đóng cửa tuần, giá dầu Brent dừng ở mức 61,29 USD/thùng, đánh mất 6,85%. Dầu WTI cũng ghi nhận mức lao dốc tới 7,51%, rơi khỏi ngưỡng 60 USD/thùng và chốt tại mức 58,29 USD/thùng.

Áp lực giảm giá chủ yếu xuất phát từ những đồn đoán về khả năng OPEC+ sẽ tiếp tục tăng mạnh sản lượng trong tháng 6, nối tiếp quyết định tăng sản lượng trong tháng 5.

Thông tin này xuất hiện từ ngày 23/4 đã kéo giá dầu Brent và WTI giảm sâu trong ba phiên đầu tuần, với mức giảm lần lượt 5,61% và 7,63% chỉ trong ba ngày từ 28/4 đến 30/4.

Thông tin này càng trở nên tiêu cực khi một số thành viên OPEC+ vẫn sản xuất vượt hạn ngạch, làm dấy lên lo ngại dư cung trên thị trường. Đáng chú ý, cuộc họp giữa 8 quốc gia thành viên OPEC+ cũng được dời lên sớm hơn dự kiến hai ngày vào 3/5, khiến thị trường càng thêm chờ đợi quyết định sản lượng tháng 6.

Bên cạnh yếu tố nguồn cung, loạt số liệu kinh tế vĩ mô kém khả quan từ Mỹ cũng góp phần gia tăng áp lực lên giá dầu.

Trong ba ngày từ 29/4 đến 1/5, các chỉ báo tiêu cực liên tiếp được công bố, từ sự thu hẹp của thị trường việc làm, sụt giảm niềm tin tiêu dùng đến việc GDP quý I/2025 của Mỹ ghi nhận mức giảm đầu tiên trong ba năm qua.

Tâm lý lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ kéo theo những nghi ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu trong tương lai.

 Nông dân thu hoạch ngô tại Hastings, bang Minnesota, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nông dân thu hoạch ngô tại Hastings, bang Minnesota, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, thị trường nông sản ghi nhận những diễn biến kém tích cực khi toàn bộ 7 mặt hàng trong nhóm đồng loạt suy yếu. Trong đó, thị trường ngô và lúa mỳ đồng loạt khép lại tuần giao dịch trong sắc đỏ, phản ánh rõ tác động từ các yếu tố cung-cầu cũng như diễn biến kỹ thuật.

Riêng giá ngô ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp khi đánh mất khoảng 3,4% về mức 184 USD/tấn, trong khi lúa mỳ giảm nhẹ 0,37% về mức 199 USD/tấn nhờ lực hồi phục mạnh ở các phiên cuối tuần.

Áp lực giảm giá đối với ngô xuất phát từ cả yếu tố kỹ thuật và tâm lý sau chuỗi hồi phục không bền vững trước đó.

Báo cáo Export Sales mới nhất cho thấy Mỹ chỉ bán được 1,01 triệu tấn ngô cho niên vụ 2024-2025, thấp hơn mức trung bình gần đây.

Dù có sự tham gia của nhiều khách hàng lớn như Hàn Quốc, Việt Nam, Israel và Mexico, lực cầu vẫn chưa đủ mạnh để tạo động lực tăng giá. Thông tin Thổ Nhĩ Kỳ mở hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế 1 triệu tấn ngô cũng chỉ mang tính hỗ trợ nhẹ và chưa tạo ra tác động rõ rệt lên thị trường.

Về mặt thời tiết, điều kiện gieo trồng tại Mỹ tiếp tục diễn biến thuận lợi, cùng với tình hình mùa vụ khả quan tại Nam Mỹ đã làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung, qua đó gia tăng áp lực lên giá ngô trong tuần.

Đối với lúa mỳ, thị trường ghi nhận nhịp hồi phục kỹ thuật mạnh trong ba phiên cuối tuần sau khi rơi vào vùng quá bán. Hợp đồng tháng 7 phục hồi đáng kể nhờ lực mua kỹ thuật và một số thông tin cơ bản hỗ trợ.

Mặc dù điều kiện mùa vụ tại Pháp vẫn ổn định, tình trạng khô hạn cục bộ tại Bắc châu Âu và Anh đã làm dấy lên lo ngại về năng suất.

Tại Mỹ, tiến độ trồng lúa mỳ vụ xuân tính đến ngày 27/4 mới đạt 30% diện tích dự kiến, thấp hơn kỳ vọng thị trường và so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó tạo ra một số lo ngại về hoạt động gieo trồng năm nay và hỗ trợ giá.

Ở chiều ngược lại, công ty tư vấn nông nghiệp Sovecon đã nâng dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga trong niên vụ 2024-2025 tăng lên 40,7 triệu tấn, qua đó tạo thêm áp lực nguồn cung lên thị trường lúa mỳ toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-gia-dau-va-nong-san-tiep-tuc-giam-post1036619.vnp