Thị trường lao động thích ứng với dịch COVID-19 - Bài 1: Nỗ lực vượt qua khó khăn

TP Hồ Chí Minh vừa trải qua những tháng ngày đầy khó khăn ứng phó với đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp đã dần thích nghi với việc sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch, nhiều người lao động đã trở lại làm việc an toàn trong điều kiện “bình thường mới”. Trong bối cảnh đó, thị trường lao động của TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết về những dấu hiệu hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội từ vùng dịch, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò then chốt và người lao động là vốn quý của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Bài 1: Nỗ lực vượt qua đại dịch

Dịch COVID-19 bùng phát tác động đến mọi mặt của đời sống an sinh, xã hội khiến hàng trăm ngàn người mất việc làm, phải tạm ngừng việc, thu nhập giảm và đối mặt với những hiểm họa rình rập từ nhiễm bệnh đến cách ly. Hàng loạt doanh nghiệp đã phải hủy đơn hàng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng nhưng vẫn phải duy trì 70% lương cho người lao động không làm việc; đồng thời còn phải đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho công nhân, người lao động.

Người lao động trở lại thành phố

Chị Lê Thị Thu Hương, quê ở Quảng Nam, công nhân da giày ở Khu Chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, giãn cách kéo dài, công ty tạm ngừng hoạt động khiến việc ở lại thành phố gặp nhiều khó khăn. Dù được địa phương quan tâm, hỗ trợ các túi an sinh, nhu yếu phẩm 1,5 triệu đồng/người nhưng dịch bệnh, giãn cách, thời gian tạm ngừng việc kéo dài khiến cuộc sống của công nhân ở trọ càng thêm khó.

Vì vậy, khi có sự hỗ trợ của địa phương, cả xóm trọ hơn 10 gia đình công nhân đã lần lượt về quê để vừa tránh dịch, vừa đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống ở quê nhà cũng gặp nhiều khó khăn, việc làm không có, nhiều công nhân đã quay trở lại thành phố khi có điều kiện. “Khi nhận được thông tin của công ty hoạt động trở lại, chúng tôi lập tức thu xếp hành lý quay lại thành phố. Hy vọng việc làm sẽ ổn định giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, nhất dịp cuối năm lương thưởng giúp phần nào cho công nhân vượt qua khó khăn”, chị Hương chia sẻ.

Tương tự, anh Trần Văn Đức, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cùng nhiều đồng nghiệp trở về quê nhà ở tỉnh Đồng Tháp ngay sau khi doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Chia sẻ cùng người lao động trong khoảng thời gian này, công ty đã hỗ trợ phần lương cơ bản giúp công nhân vượt khó, ổn định cuộc sống cho đến khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Do quê nhà gần TP Hồ Chí Minh, khi nhận được thông báo từ công ty, anh Đức cũng như nhiều đồng nghiệp cùng quê không giấu được niềm vui, nhanh chóng trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Anh Đức cho biết, ngay khi tái hoạt động, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế và thành phố. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, công ty phát khẩu trang y tế, yêu cầu người lao động làm việc luôn đảm bảo nguyên tắc 5K; thực hiện test nhanh COVID-19 cho toàn bộ công nhân; hoàn tất hỗ trợ lương cơ bản cho công nhân trong suốt thời gian tạm ngừng việc…

Anh Đức chia sẻ: Đơn hàng nhiều, làm từ nay đến Tết Nguyên đán cũng không lo hết việc, hiện tôi đang nỗ lực hết mình để hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Chỉ mong công ty quan tâm việc tăng lương, thưởng, không chỉ là động lực mà còn tạo thêm niềm tin để người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Bé Sáu (quê ở tỉnh Cà Mau) cùng nhiều đồng nghiệp ở khu trọ cố gắng bám trụ ở thành phố trong suốt thời gian giãn cách, chờ công ty sản xuất bánh kẹo ở Khu Chế xuất Tân Thuận hoạt động trở lại. “Vừa lo dịch bệnh, vừa tiêu tốn sinh hoạt, ăn uống suốt thời gian dài khiến bao nhiêu vốn liếng tích lũy trong nhiều năm bị thâm hụt”, chị Sáu tâm sự. Trước những khó khăn của công nhân, Công đoàn Công ty đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn như: hỗ trợ tiền trọ, thu nhập tăng thêm, tặng quà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Đây cũng là lý do khiến nhiều công nhân lao động như chị Sáu quyết định ở lại, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Hiện nay, chị Sáu cùng các công nhân không chỉ vui khi mọi công việc đã trở lại bình thường, mà còn an tâm hơn khi công ty có nhiều đổi mới, nhất là cải thiện môi trường làm việc, tăng cường công tác phòng dịch. Sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn giúp cho công nhân vượt khó, động viên người lao động tin tưởng hơn về việc làm, thu nhập ổn định, nhất là khi năm hết Tết đến để người lao động tích cực cống hiến và làm việc hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 12/2021 đã có hơn 143.000 công nhân, người lao động đã quay trở lại thành phố sau thời gian về quê trách dịch. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hơn 97% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động với công suất 100%. Thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động như: đào tạo, đào tạo lại; tổ chức nhiều đoàn đến các địa phương nhằm tháo gỡ những vướng mắc, động viên, tạo cơ hội cho người lao động trở lại thành phố làm việc.

Doanh nghiệp vượt khó thích ứng với điều kiện mới

Tác động mạnh mẽ của COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải chủ động thích ứng để tồn tại, duy trì phương án sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Đến nay, mọi hoạt động đã dần khôi phục, nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp ngày càng cao và từng bước thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Theo Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), khi dịch COVID-19 bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều duy trì sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” với công suất khoảng 50%. Do cung cấp các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp đã chủ động từ khâu nguyên liệu đầu vào đến nhân công, đảm bảo an toàn trong quá trình làm "3 tại chỗ", góp phần đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường trong thời điểm khó khăn nhất.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, sự chủ động trong thời gian giãn cách đã giúp các doanh nghiệp không bị thiếu hụt nhiều lao động và có thể phục hồi nhanh khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới” ngay sau ngày 1/10 đến nay. Các doanh nghiệp đã xác định việc khôi phục sản xuất sớm để phục vụ thị trường, nhất là nguồn dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng trong dịp lễ, Tết cuối năm.

Điều khiến các doanh nghiệp lo lắng là nguồn nhân lực không ổn định do dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, việc phải “chống chọi” để duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách khiến nhiều nhiều doanh nghiệp “hụt hơi” nên rất cần sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính.

Để vượt qua đại dịch, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại quy trình sản xuất kinh doanh, đánh giá hiện trạng sau 3 tháng sản xuất “3 tại chỗ”; xây dựng lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên kịch bản phục hồi của thành phố. Một số doanh nghiệp thực hiện tăng vốn, đầu tư trang thiết bị mới, nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng trước tình hình mới.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, Công ty đã tiên phong thực hiện chuyển đổi số từ trước song cũng chịu phần nào tác động của đại dịch. Việc chuyển đổi số, cải thiện môi trường làm việc giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua các ứng dụng và tự động hóa.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp ngành Dệt may không chỉ sản xuất hàng may mặc thông thường mà còn tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn để may khẩu trang, thực hiện các hợp đồng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn theo các yêu cầu, đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp vừa thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn trong sản xuất, vừa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thực hiện phương thức bán hàng online nhằm tiêu thụ được nhiều hàng hóa hơn. Một số khâu vận hành trong các nhà máy, chế biến được đẩy mạnh hoạt động theo quy trình tự động hóa nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết: Sự ổn định trong điều hành kinh tế hơn hai tháng qua đã tạo tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quay trở lại thành phố. Gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài đã làm việc với Hepza, đặt vấn đề thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy mới với quy mô vốn tương đối lớn, ngành nghề có hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Chủ đầu tư dự án Pin Platinum đã làm việc với Hepza để tìm hiểu quy trình đầu tư, đặt vấn đề thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp mới với quy mô vốn trên 200 triệu USD, dự kiến thuê khoảng 15 ha đất tại khu công nghiệp Tân Phú Trung.

Bài 2: Nhiều cơ hội việc làm

Thanh Vũ

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thi-truong-lao-dong-thich-ung-voi-dich-covid19-bai-1-no-luc-vuot-qua-kho-khan-20220103084818620.htm