Thị trường ô tô phụ thuộc nhiều vào các giải pháp 'cứu trợ' tạm thời

Lộ trình thực hiện giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước, khu vực có ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam ngày càng nhiều khiến sản phẩm lắp ráp trong nước sẽ ngày càng bị cạnh tranh cao. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước và toàn ngành cần có hướng đi phù hợp và căn cơ hơn để cạnh tranh thay vì chỉ dừng lại những giải pháp hỗ trợ, 'cứu trợ'… mang tính tạm thời khi thị trường sụt giảm.

Thị trường chưa “thoát đáy”

Nối tiếp đà sụt giảm 25% lượng xe bán ra của năm 2023, trong 4 tháng đầu năm nay, lượng xe ô tô tiêu thụ trên thị trường tiếp tục giảm xuống nhiều. Các nhà lắp ráp và phân phối ô tô vì vậy gặp không ít khó khăn với lượng hàng tồn kho cao.

Đơn cử như liên doanh Nhật Bản với thương hiệu Toyota chỉ bán được hơn 11.800, giảm đến 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay thương hiệu Mitsubishi bán ra sụt giảm 27%, đạt 2.508 xe.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô vẫn gặp khó do thị trường vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa: DNCC

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô vẫn gặp khó do thị trường vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa: DNCC

Các thương hiệu ô tô thuộc Tập đoàn ô tô Trường Hải – Thaco lắp ráp và phân phối như Mazda và Peugeot sụt giảm 9%; hay TC Group cũng chỉ bán được 14.420 xe Hyundai, giảm mạnh so với hơn 19.320 xe của cùng kỳ năm ngoái…

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lũy kế 4 tháng qua, lượng bán hàng toàn thị trường đạt hơn 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái

Như vậy, thị trường ô tô trong nước tiếp tục ở mức thấp, chưa thể vào chu kỳ tăng trưởng như kỳ vọng trước đó. Với lượng tiêu thụ còn ở “đáy”, dẫn đến lượng tồn kho của các doanh nghiệp cao với ước tính lên hàng chục ngàn xe các loại, trong đó chủ yếu là xe sản xuất năm 2023.

Trước tình hình kinh doanh ảm đạm trong những tháng qua, hàng loạt mẫu xe được các hãng điều chỉnh giảm giá và liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu, đưa giá nhiều mẫu xe giảm từ vài chục tới cả trăm triệu đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi nền kinh tế chung dần phục hồi, lãi suất cho vay giảm thì nhu cầu tiêu dùng sẽ quay trở lại. Dù vậy, việc xuống tiền mua ô tô vẫn chưa thể bằng như những năm trước bởi tâm lý người tiêu dùng sẽ ưu tiên chi tiêu vào những mặt hàng cần thiết hơn.

Thị trường ô tô chưa “thoát đáy”. Ảnh minh họa: TL

Thị trường ô tô chưa “thoát đáy”. Ảnh minh họa: TL

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô vẫn gặp khó do thị trường vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó suy thoái kinh tế hiện hữu, tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và toàn nền kinh tế. Đáng chú ý, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng… dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao.

Đánh giá từ Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy thị trường ô tô Việt Nam khó khăn trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu và người mua có tâm lý chờ đợi các mẫu xe mới.

Tuy nhiên, thị trường sẽ thấy sự phục hồi cả về số lượng và giá trị nhờ sự phục hồi kinh tế vào nửa cuối năm, các mẫu xe mới ra mắt, tình trạng thiếu chip cho xe được giải quyết, cũng như lãi suất cho vay ở mức hấp dẫn hơn so với 2023. SSI dự báo mức tăng trưởng doanh số ô tô năm 2024 khoảng 9% so với 2023.

Đến các giải pháp hỗ trợ… tạm thời

Bên cạnh những khó khăn nói trên, thị trường ô tô trong nước còn đang gặp khó khăn khi nhiều người lùi thời gian mua xe với hy vọng Chính phủ sẽ có đợt giảm lệ phí trước bạ (LPTB) mới. Nếu được thông qua, các nhà kinh doanh hy vọng sẽ được áp dụng từ ngày 1-7 tới và kéo dài đến hết năm 2024. Đây được cho sẽ là một “cú huých” lớn dành cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo tính toán của các đại lý ô tô, khi giảm 50% LPTB, khách hàng mua ô tô dưới 10 chỗ sản xuất lắp ráp trong nước, sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ 15 đến hàng trăm triệu đồng, tùy từng mẫu xe.

Và nếu được thông qua thì đây sẽ là lần thứ 4 kể từ 2020 chính sách thực hiện giảm LPTB cho xe lắp ráp trong nước. Các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất xe trong nước cũng kỳ vọng có sự hỗ trợ này bởi thực tế cho thấy, trong 3 lần Chính phủ giảm 50% LPTB, hiệu quả kích cầu rất rõ.

Cần có giải pháp căn cơ hơn với ngành ô tô. Ảnh minh họa: H. Lê

Cần có giải pháp căn cơ hơn với ngành ô tô. Ảnh minh họa: H. Lê

Như trong thời gian thực hiện giảm 50% LPTB lần thứ nhất (28-6 đến 31-12-2020), số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 209.580 xe, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Do đó, các đại lý ô tô đều kỳ vọng, chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu được áp dụng sẽ tạo một “cú huých” cho doanh số nửa cuối năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đang mong đợi được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô họ sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Gần đây Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay và cho phép Nghị định có hiệu lực từ ngày ký cho đến hết ngày 31-12-2014. Việc gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ tạo điều kiện theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Có thể thấy cứ mỗi lần thị trường gặp khó khăn thì doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước lại trông chờ vào sự hỗ trợ của các chính sách ưu đãi như giảm lệ phí trước bạ để đẩy thị trường lên; hoặc hỗ trợ chậm nộp thuế TTĐB để có dòng tiền duy trì hoạt động… Tuy nhiên, đây không phải là các “liều thuốc” tốt giúp doanh nghiệp lớn mạnh mà chỉ là giải pháp “cấp cứu”, “cứu trợ” ở những thời điểm ngặt.

Trên thực tế, cũng nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, bức tranh tổng thể cho thấy vẫn còn nhiều mục tiêu đề ra chưa đạt, còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục. Tỉ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ chỉ đạt trung bình 12-20% (kém xa mục tiêu năm 2020 đạt 30-40%), hay tỉ lệ xuất khẩu đạt 1.000 xe so với mục tiêu năm 2020 là 5.000 xe…

Đáng chú ý, trong bối cảnh lộ trình giảm thuế nhập khẩu được thực hiện khi Việt Nam tham gia các cam kết tại các Hiệp định FTA, sức ép cạnh tranh đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng ngày càng gay gắt.

Tại một hội thảo ngành ô tô gần đây, theo bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc VAMA cho biết, trong các FTA Viêt Nam đã tham gia và ký kết có nhiều FTA đã cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%.

Đơn cử Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã về 0% từ năm 2018. Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Anh và EU (UK/EVFTA) 0% từ năm 2028; Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 0% từ 2027…

Theo bà Tuyết, ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu.

Hay cam kết của EVFTA, thuế nhập ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%, dự kiến ô tô nguyên chiếc nhập từ EU xuống còn 0% vào năm 2030.

Điều này sẽ làm các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.

Đó là chưa kể việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ ưu đãi từ chính sách thuế, lệ phí sẽ tác động đến giảm thu ngân sách nhà nước. Chính sách hỗ trợ này còn có khả năng không tuân thủ quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA.

Các ý kiến cho rằng một số nước thành viên WTO cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự mà không gặp nhiều phản ứng từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, về logic học, khi một số nước làm sai thì không có nghĩa chúng ta cũng làm sai theo. Do đó, để cạnh tranh được với các sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu thời gian tới, ngành ô tô trong nước cần có có hướng đi bền vững hơn và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để cạnh tranh… Còn hiện nay, doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào các giải pháp hỗ trợ mang tính “cấp cứu” tạm thời.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-o-to-phu-thuoc-nhieu-vao-cac-giai-phap-cuu-tro-tam-thoi/