Thị trường rạp chiếu phim: Mở cơ hội, vượt thách thức
Khoản đầu tư 5.000 tỷ đồng từ liên doanh Aeon Beta Cinema và sự ra đời của thương hiệu ICECON không chỉ mở rộng quy mô, công năng mà còn thổi một làn gió mới vào thị trường rạp chiếu phim Việt Nam. Điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh các đơn vị kinh doanh đối diện nhiều khó khăn.
Sôi động phòng chiếu
Đầu tháng 8, liên doanh Aeon Beta Cinema được thành lập với 2 đối tác gồm Beta Media (Việt Nam) và Aeon Entertainment (Nhật Bản). Liên doanh này tập trung vào việc phát triển và vận hành chuỗi rạp chiếu phim cao cấp; đầu tư sản xuất phim điện ảnh và phát hành các bộ phim Việt Nam, Nhật Bản cũng như quốc tế tại thị trường Việt Nam. Ở mảng rạp chiếu phim, thương hiệu mới này dự kiến đến năm 2035 sẽ đầu tư xây dựng hơn 50 cụm rạp đẳng cấp với số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Hệ thống rạp sẽ có mặt trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Rạp chiếu phim đầu tiên sẽ khai trương vào năm 2025.
Khi Aeon Beta Cinema đi vào hoạt động như kế hoạch, khán giả sẽ có thêm lựa chọn bên cạnh hệ thống rạp chiếu phim hiện nay. Tính đến tháng 6-2024, toàn thị trường có 203 rạp với hơn 1.200 phòng chiếu. Trong số đó, CGV dẫn đầu thị trường với 83 rạp tương ứng 478 phòng chiếu tại hơn 30 tỉnh thành, chiếm tỷ lệ hơn 40%. Tiếp sau đó là Lotte Cinema, Galaxy, Beta Cinema, BHD, cùng hệ thống các rạp chiếu khác.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, nhà phát hành CGV đã khai trương cụm rạp mới nhất - cụm rạp thứ 83 CGV Vincom Mega Mall Grand Park (phường Long Bình, TP Thủ Đức, TPHCM). “CGV vẫn có kế hoạch tiếp tục mở rộng rạp phim nếu có địa điểm tốt và phù hợp”, ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện CGV, chia sẻ. Đầu tháng 9 tới, Galaxy Cinema cũng khai trương thêm một cụm rạp mới tại Galaxy Parc Mall (quận 8, TPHCM). Điểm đặc biệt, đây cũng là rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam có phòng chiếu dành riêng cho trẻ em và một khu vui chơi riêng. Về mặt công nghệ, hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam hiện nay cũng đã bắt nhịp được với những công nghệ chiếu phim hiện đại, tiên tiến bậc nhất: IMAX Laser, Ultra 4DX, ScreenX, Starium Laser, Superplex… cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm.
Ngoài việc mở rộng quy mô rạp chiếu, CJ CGV Việt Nam cũng vừa cho ra mắt thương hiệu ICECON. Theo ông Hoàng Hải, đây cũng là một hình thức tối đa hóa doanh thu cho rạp chiếu, đồng thời mở rộng hơn trải nghiệm của khán giả. ICECON gồm 4 danh mục chính: Stage (Trình diễn), Play (Trực tuyến), Channel (Chuyển hóa) và Library (Bách khoa). Mở đường cho hoạt động của ICECON thời gian qua đó là việc mang đến những concert chiếu rạp đặc sắc của các ngôi sao hàng đầu thế giới: Taylor Swift - The Eras Tour, BTS Yet to Come in Cinemas, Blackpink world tour [born pink] in cinemas…
Thời gian tới, mảng Stage tiếp tục mang đến các nội dung về hài kịch, nhạc kịch, trình diễn trực tiếp. Trong khi đó, hạng mục Play sẽ biến rạp chiếu phim thành một sân vận động thực thụ, nơi khán giả có thể hòa mình vào không khí sôi động của các trận đấu thể thao và giải đấu e-sports. ICECON cũng đã đạt thỏa thuận hợp tác với BOX Sports, đơn vị nắm bản quyền của giải đấu LCK, bộ môn Liên minh huyền thoại. Hai hạng mục còn lại cũng nằm trong kế hoạch trung và dài hạn.
Nỗi lo còn đó
Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định, mảng kinh doanh rạp chiếu phim hiện tại có nhiều cơ hội lẫn thách thức. Về số lượng rạp chiếu hiện nay, hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM, nhất là ở khu vực trung tâm, gần như đã bão hòa. Tuy nhiên, dư địa phát triển ở các tỉnh còn rất nhiều. Hiện có hơn 10 tỉnh chưa có rạp chiếu phim, nhiều tỉnh thành chỉ mới có 1 rạp chiếu, là khoảng trống để các đơn vị phát hành có thể khai thác.
Một thông tin khác cũng được tiết lộ, lượng khách đến rạp ở thời điểm hiện tại đã ngang bằng so với thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019). Tuy nhiên, tổng doanh thu thị trường lại thấp hơn, bởi hiện tại các rạp đang giảm giá vé và khán giả có xu hướng chuyển từ các rạp có giá vé cao sang rạp có giá vé thấp. Hiện tại, biên độ dao động về giá vé ở thị trường Việt Nam đang khá cao và chưa có quy định chung cho các đơn vị kinh doanh. Theo ông Hải, khi thị trường đạt ngưỡng 30% người dân đến rạp xem phim, chắc chắn các rạp sẽ có những xem xét để điều chỉnh về mức giá chung.
Nhưng khó khăn với các đơn vị kinh doanh rạp chiếu phim chưa dừng lại ở đó bởi có những vấn đề tồn tại đã trở thành trầm kha. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, CEO Công ty BHD, cho biết: "Điểm yếu của thị trường điện ảnh trong nước là phát triển nóng, trong khi chi phí vận hành rạp cao nên khả năng sinh lời cho rạp chiếu chưa tốt, tiềm ẩn rủi ro nếu không cắt giảm được chi phí".
Những khó khăn nổi cộm được bà Hạnh đưa ra liên quan đến nguồn vốn, tiền thuê đất, các chi phí cố định... Trong đó, chỉ tính riêng chi phí về tiền thuê địa điểm, điện, nước trên tổng chi phí của các cụm rạp ở Việt Nam đang rất cao so với khu vực. Theo bà, với vốn vay giá cao và tiền thuê như hiện tại, các rạp phim sẽ rất khó hòa vốn và có lãi, nên sau giai đoạn đầu phát triển mạnh mẽ để cố chiếm thị phần, hiện các rạp đang giậm chân tại chỗ. Thậm chí, sau giai đoạn Covid-19, nhiều cụm rạp phải đóng cửa. Ông Hải cũng đồng tình và cho biết, chi phí mặt bằng ở Việt Nam hiện cao nhất trong khu vực: “Đa phần các rạp hiện nay đều kêu ca, nếu không có phim, các rạp sẽ bị lỗ”.
“Thị trường Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Với dân số 100 triệu dân, hiện mỗi năm chỉ có khoảng 8 triệu người đi xem phim, tức là chưa đạt tới 10% dân số, cho thấy đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng. Nhưng làm thế nào để nhiều người dân có thói quen đến rạp thưởng thức phim là một vấn đề lớn khác", ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện CJ CGV Việt Nam, cho biết.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thi-truong-rap-chieu-phim-mo-co-hoi-vuot-thach-thuc-post754581.html