Thị trường tài chính toàn cầu khởi sắc sau khi thuế quan hạ nhiệt

Thị trường tài chính toàn cầu bật tăng mạnh sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm thời, trong đó hai bên đồng ý hạ thuế nhập khẩu với hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày.

Bảng điện tử hiển thị hiệu suất của các ngành liên quan đến chỉ số Nikkei tại Tokyo, Nhật Bản ngày 13.5. Ảnh: Reuters

Bảng điện tử hiển thị hiệu suất của các ngành liên quan đến chỉ số Nikkei tại Tokyo, Nhật Bản ngày 13.5. Ảnh: Reuters

Thị trường phản ứng tích cực

Thị trường tài chính quốc tế đồng loạt tăng vọt vào đầu tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đạt được thỏa thuận tạm ngừng leo thang chiến tranh thương mại.

Theo đó, Washington đồng ý giảm mức thuế mới nhất với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Bắc Kinh hạ thuế nhập khẩu với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%. Lệnh giảm thuế kéo dài ít nhất 90 ngày.

Cổ phiếu Phố Wall hưởng ứng tích cực: chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, còn Nasdaq tăng hơn 4,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2.

Tại châu Á, Nikkei 225 của Nhật tăng 2% lên đỉnh ba tháng, thị trường Đài Loan và Trung Quốc đại lục cũng đồng loạt tăng điểm. Chỉ số MSCI toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật) đạt mức cao nhất trong sáu tháng.

Đồng đô la Mỹ cũng tăng giá mạnh, trong khi vàng – kênh trú ẩn truyền thống – giảm hơn 2% do giới đầu tư bớt lo ngại về rủi ro toàn cầu.

Trong khi đó, giá dầu điều chỉnh nhẹ sau khi đạt đỉnh hai tuần nhờ tâm lý tích cực quanh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Trên thị trường tiền điện tử, giá Bitcoin ngày 13.5 giảm 0,5% xuống còn 102.146 USD, nhưng vẫn duy trì trên mốc quan trọng 100.000 USD được thiết lập từ tuần trước.

Lo ngại dài hạn vẫn còn

Dù thị trường hoan nghênh thỏa thuận, giới phân tích cảnh báo đây mới chỉ là sự “hoãn binh”, không phải giải pháp cho các mâu thuẫn cốt lõi.

“Tình trạng mất cân bằng thương mại nghiêm trọng vẫn đang làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ,” Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles nhận định với Reuters.

Ông cho biết các doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn dè chừng, chờ xem mức thuế 30% sẽ ảnh hưởng thế nào tới chi phí và hành vi tiêu dùng.

Ngoài ra, thỏa thuận không bao gồm các miễn trừ "de minimis" - quy định cho phép các lô hàng giá trị thấp được nhập khẩu mà không bị đánh thuế - với thương mại điện tử, vốn đã bị chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt từ đầu tháng 5.

Việc căng thẳng thương mại hạ nhiệt cũng tác động đến kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ. Các nhà giao dịch hiện chỉ dự báo khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 0,57% trong năm nay – thấp hơn nhiều so với mức 1% mà họ dự đoán vào giữa tháng 4, khi lo ngại về thuế quan đang ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, tâm điểm tiếp theo sẽ là dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố vào cuối ngày 13.5. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục yếu, các nhà giao dịch có thể điều chỉnh kỳ vọng và trở lại với khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng vọt, với lợi suất kỳ hạn 2 năm đạt gần 4% và kỳ hạn 10 năm quanh ngưỡng 4,45% – cao nhất trong một tháng.

Việc hạ nhiệt thuế quan là tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để xóa bỏ bất ổn. Khi gần 600 tỷ USD thương mại song phương bị ảnh hưởng, giới đầu tư vẫn chờ xem đây là khởi đầu cho tiến trình hạ nhiệt dài hạn hay chỉ là khoảng nghỉ kỹ thuật.

NGHIÊM THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-te/thi-truong-tai-chinh-toan-cau-khoi-sac-sau-khi-thue-quan-ha-nhiet-134267.html