Thỏa thuận Mỹ-Trung 'bơm oxy' cho ngành vận tải biển và bán lẻ trực tuyến

Thỏa thuận thuế quan tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại luồng sinh khí mới cho ngành vận tải biển container và các nhà bán lẻ trực tuyến.

Hàng hóa từ Trung Quốc và các nước châu Á được bốc dỡ tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng hóa từ Trung Quốc và các nước châu Á được bốc dỡ tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng sự phục hồi trong lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Mỹ, dù những lo ngại về tác động dài hạn của thuế quan vẫn còn hiện hữu.

Ngày 12/5, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí rằng trong 90 ngày tới, Mỹ sẽ giảm mức thuế bổ sung áp lên hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%. Ngược lại, Trung Quốc cũng sẽ hạ thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống 10%.

Trước đó, căng thẳng thương mại leo thang đã khiến thương mại song phương giảm mạnh, buộc các hãng tàu container lớn như MSC và Cosco phải đình chỉ các tuyến định kỳ hoặc hủy bỏ các chuyến đi riêng lẻ. Một số hãng khác lại cân nhắc chuyển sang sử dụng tàu nhỏ hơn.

Ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles - cảng biển bận rộn nhất nước Mỹ và là cửa ngõ số một cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - hoan nghênh thông tin về thỏa thuận trên. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm bởi mức thuế 30% áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn cao hơn đáng kể so với trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Sự phục hồi nhu cầu vận chuyển có thể đẩy cước phí vận chuyển giao ngay tăng cao. Ông Seroka cho rằng các nhà nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như vật tư y tế có thể tranh thủ nhập hàng nếu nguồn cung đang cạn kiệt. Dù vậy, nhiều nhà nhập khẩu khác có thể sẽ chọn cách tiếp cận thận trọng với mức thuế 30%.

Các nhà bán lẻ lớn như Walmart, Target và Home Depot chiếm khoảng một nửa tổng khối lượng vận chuyển container toàn cầu. Tháng Năm thường là thời điểm các nhà bán lẻ Mỹ đặt hàng cho mùa lễ cuối năm, với hàng hóa thường cập cảng Mỹ từ tháng Tám đến tháng Mười. Ông Seroka cho rằng không nhiều nhà bán lẻ sẽ chấp nhận mức thuế 30% cho mùa mua sắm quan trọng nhất trong năm.

Các hãng vận tải biển cũng nhanh chóng phản ứng. Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants Ltd tháng trước dự báo khối lượng container qua cảng toàn cầu năm 2025 có thể giảm 1% do chính sách thương mại của ông Trump, thay vì tăng 2,3% như dự kiến trước đó.

Tuy nhiên, ông Simon Heaney, quản lý cấp cao mảng nghiên cứu thị trường container của Drewry lạc quan rằng nếu các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung thuận lợi, họ có thể sớm nâng dự báo tăng trưởng cho lĩnh vực này.

Hãng vận tải container Hapag-Lloyd của Đức kỳ vọng lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ tăng. Công ty vẫn duy trì hoạt động trong giai đoạn sụt giảm mạnh lượng hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ, dù có kế hoạch giảm kích thước tàu. Động thái này có thể mang lại lợi thế cho Hapag-Lloyd so với các đối thủ đã cắt giảm số chuyến đi nếu khách hàng tranh thủ nhập hàng trong thời gian 90 ngày giảm thuế.

Theo nhà phân tích trưởng Peter Sand tại nền tảng phân tích giá cước Xeneta, thời gian vận chuyển trung bình trên tuyến xuyên Thái Bình Dương là 22 ngày. Các khách hàng chắc chắn sẽ tận dụng thời gian 90 ngày hòa hoãn thuế quan để vận chuyển càng nhiều hàng hóa vào Mỹ càng tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực tăng giá cước.

Đối với các "gã khổng lồ" thương mại điện tử như Shein và Temu, thỏa thuận này mang lại một khoảng thời gian quý báu để điều chỉnh hoạt động kinh doanh dù phía Mỹ không khôi phục chính sách "de minimis" (ngưỡng giá trị tối thiểu đối với hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế) cho các gói hàng trị giá dưới 800 USD từ Trung Quốc.

Còn đối với Amazon, thỏa thuận này có thể giúp các nhà bán hàng bên thứ ba có thời gian lên kế hoạch và đẩy nhanh đơn hàng từ Trung Quốc cho mùa mua sắm cuối năm.

Các chuyên gia thương mại cho rằng chính sách "de minimis" không được đề cập trong thỏa thuận mới cho thấy chính sách này khó có khả năng quay trở lại. Dù vậy, việc cắt giảm thuế xuống còn 30% trong 90 ngày vẫn có lợi cho Shein và Temu.

Ông Yao Jin, Phó Giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Miami, nhận định đây là cơ hội tốt để hai nền tảng thương mại tăng dự trữ tại các kho hàng ở Mỹ. Họ có thể chuyển sang vận chuyển hàng bằng tàu container thay vì từng lô hàng nhỏ bằng máy bay.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách mảng vận tải hàng không tại Xeneta, ông Niall van de Wouw cho biết khoảng 50% các chuyến hàng bằng đường hàng không từ Trung Quốc sang Mỹ trước đây là chở hàng thương mại điện tử giá trị thấp. Kể từ ngày 2/5, tổng công suất vận chuyển hàng hóa trung bình hàng ngày trên các tuyến này đã giảm 39%.

Hương Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thoa-thuan-my-trung-bom-oxy-cho-nganh-van-tai-bien-va-ban-le-truc-tuyen/373395.html