Thị trường trái phiếu bùng nổ, những doanh nghiệp nào dẫn đầu 'cuộc đua' huy động vốn?

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ nửa đầu năm 2025, bốn 'ông lớn' gồm Techcombank (TCB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Vingroup và BIDV đã nổi lên dẫn đầu cuộc đua huy động vốn với hàng chục nghìn tỷ đồng được phát hành.

Kỷ lục phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) về thị trường trái phiếu vừa phát hành đã phác họa một bức tranh đa chiều về thị trường trái phiếu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, với những điểm sáng và cả những thách thức song hành.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã chứng kiến một tháng 6 sôi động chưa từng có, với tổng giá trị phát hành đạt 123,7 nghìn tỷ đồng, tăng vọt 87% so với cùng kỳ năm trước và tăng 79% so với tháng 5.

Nhóm ngân hàng tiếp tục là động lực chính của thị trường, chiếm đến 80% tổng giá trị phát hành với 98,5 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức phát hành lớn nhất bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) với 24,8 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 16,5 nghìn tỷ đồng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) với 14,7 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 265,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm 75% với gần 198,5 nghìn tỷ đồng. Lãi suất bình quân của nhóm này là 5,6%/năm.

Trái ngược với mức lãi suất hợp lý của ngành ngân hàng, nhóm bất động sản, dù chỉ chiếm 15% tổng giá trị phát hành (40,2 nghìn tỷ đồng), lại có mức lãi suất bình quân lên tới 10,5%/năm, phản ánh mức độ rủi ro cao hơn.

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Bên cạnh hoạt động phát hành sôi động, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Trong tháng 6, giá trị mua lại đạt 63,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng là 125 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, rủi ro về khả năng thanh toán vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Tháng 6 ghi nhận 11 mã trái phiếu chậm thanh toán với tổng giá trị 8,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu chậm thanh toán đã lên tới 45 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm đến 65% giá trị chậm thanh toán.

Trên thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP), Kho bạc Nhà nước đã phát hành 201.390 tỷ đồng trong 6 tháng, hoàn thành 40,3% kế hoạch năm. Lợi suất trúng thầu có xu hướng tăng, với kỳ hạn 10 năm đạt 3,2%/năm.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch diễn ra sôi động với giá trị bình quân ngày đạt 16,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 13,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 6, tạo áp lực lên thị trường.

Xét về các doanh nghiệp dẫn đầu, Techcombank (TCB) là nhà phát hành lớn nhất 6 tháng đầu năm với 37.000 tỷ đồng, tiếp theo là Ngân hàng Á Châu (ACB) với 29.150 tỷ đồng. Tập đoàn Vingroup với 18.000 tỷ đồng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 17.835 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp có lãi suất phát hành cao nhất thị trường là Tập đoàn Vingroup và VinFast với mức lãi suất từ 12% - 12,5%. Cùng mức lãi suất cao còn có Công ty Song Phương và Công ty Sài Gòn Xanh (12%), và Công ty Tây Bắc (11,5%).

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thi-truong-trai-phieu-bung-no-nhung-doanh-nghiep-nao-dan-dau-cuoc-dua-huy-dong-von/20250728104554915