Thị trường trái phiếu có dấu hiệu hồi sinh trở lại
Các đơn vị phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đều kinh doanh hiệu quả, công bố rõ ràng thông tin về tài chính, có lịch sử thanh toán trái phiếu đúng hạn.
Từ khi Nghị định 08/2023 được ban hành đến nay, số lượng trái phiếu doanh nghiệp (DN) được phát hành mới có dấu hiệu tích cực.
Điểm sáng
Mới đây, đại gia nuôi heo ăn chay là Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam cho biết đã huy động thành công 600 tỉ đồng từ việc phát hành 600 trái phiếu DN riêng lẻ, có lãi suất chỉ không đầy 6%. Việc phát hành thành công hàng trăm tỉ đồng trái phiếu với lãi suất thấp trong bối cảnh niềm tin cho thị trường trái phiếu còn dè dặt được xem là điểm sáng trong giai đoạn này.
Trước đó, hàng loạt công ty cũng công bố đã phát hành thành công từ hàng trăm cho đến hàng ngàn tỉ đồng trái phiếu DN. Cụ thể, Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên phát hành thành công hai lô trái phiếu với tổng giá trị 7.200 tỉ đồng. Đây cũng là công ty có khối lượng phát hành cao nhất tính đến thời điểm hiện nay.
Đứng thứ hai là Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living đã phát hành được 4.800 tỉ đồng trái phiếu DN với lãi suất 9%. Tương tự, Tập đoàn Masan đã huy động được 4.000 tỉ đồng trong tháng 2 và tháng 3 với kỳ hạn lên đến năm năm.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 1, chỉ có duy nhất một lô trái phiếu phát hành riêng lẻ từ một đơn vị ngành xây dựng, với giá trị 110 tỉ đồng, chưa đạt 1% so với cùng kỳ. Đến tháng 2, chỉ có hai đơn vị phát hành với tổng giá trị 2.000 tỉ đồng.
Nhưng sự bùng nổ khối lượng phát hành trái phiếu DN diễn ra trong tháng 3, kể từ khi Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 5-3-2023. Theo đó, trong tháng 3, các DN đã phát hành thành công hơn 25.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD.
Cũng nhờ Nghị định 08/2023 tạo cơ sở pháp lý cho phép hoán đổi nợ trái phiếu sang loại hình tài sản khác (bất động sản, cổ phiếu…), hay có thể đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài thời gian trả nợ tối đa hai năm đã giúp nhiều công ty tái cấu trúc nợ. Đơn cử, Novaland thông báo đã gia hạn nợ được với trái chủ. Cụ thể, một lô trái phiếu có tổng mệnh giá 1.500 tỉ đồng, đáo hạn vào năm 2024 được gia hạn nợ thêm hai năm. Đồng thời, một lô trái phiếu khác có mệnh giá 250 tỉ đồng và đáo hạn vào năm 2024 sẽ được chuyển sang thanh toán vào năm 2025.
Công ty cổ phần Hưng Thịnh cũng vừa thông báo trái chủ đã chấp thuận gia hạn nợ một lô trái phiếu với mệnh giá 300 tỉ đồng, thời gian trả nợ vào cuối tháng 9-2023.
Từng bước lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận xét: Việc có hơn 1 tỉ USD được các DN phát hành thành công chỉ trong vòng không đầy ba tuần của tháng 3 là nhờ Nghị định 08/2023 đã đem đến các điều kiện phù hợp cho thị trường. Đặc biệt, nhà đầu tư nhìn thấy thị trường đang minh bạch hơn, cho phép họ xác định chính xác mục đích đầu tư. Ngoài ra, họ cũng yên tâm hơn một khi có sự cố xảy ra thì có các cơ sở pháp lý giúp xử lý các vấn đề dễ dàng hơn.
“Không còn dễ dãi như trước, dưới các quy định cụ thể, các đơn vị phát hành buộc phải công bố thông tin cho nhà đầu tư một cách rõ ràng, trong đó có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập. Đặc biệt, đơn vị phát hành phải công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động. Do đó, chất lượng tổ chức phát hành được nâng cao, từ đó dần lấy lại được niềm tin nơi nhà đầu tư” - ông Hải bình luận.
Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của DN cũng là yếu tố để nhà đầu tư rót tiền vào trái phiếu DN. Rất dễ nhận thấy các đơn vị phát hành thành công trái phiếu DN hiện nay đều kinh doanh hiệu quả, công bố rõ ràng về báo cáo tài chính, mục đích sử dụng tiền huy động từ trái phiếu DN và lịch sử thanh toán trái phiếu đúng hạn.
TS Ronald Ravinesh Kumar, giảng viên kinh tế cấp cao ĐH RMIT Việt Nam, cũng cho rằng Nghị định 08/2023 giúp tăng tính linh hoạt trong việc lựa chọn phương thức thanh toán cho trái chủ, đồng thời cũng tăng tính minh bạch khi sử dụng các tài sản phi tiền mặt như bất động sản. Việc kéo dài thời hạn trái phiếu cũng có thể mang lại lợi ích cho trái chủ với mức lãi suất ưu đãi.
Đối với các công ty phát hành trái phiếu, thanh toán bằng tài sản phi tiền mặt có thể là một hình thức tái cấu trúc nợ hấp dẫn, đặc biệt đối với các tập đoàn sở hữu một lượng lớn tài sản phi tiền mặt, chẳng hạn như các công ty bất động sản. Điều này có thể làm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu và hỗ trợ thu hồi trái phiếu sớm nếu được trái chủ chấp thuận.
Hơn nữa, đối với các tập đoàn, Nghị định 08 cung cấp các phương thức trả nợ và tái cơ cấu thay thế nếu được trái chủ đồng ý. Từ đó, tạo niềm tin vào thị trường trái phiếu DN.
“Ngoài ra, chúng ta có thể kỳ vọng Nghị định 08 sẽ hỗ trợ phát hành trái phiếu mới, nhất là khi giờ đây trái chủ có thể chấp thuận nhận các phương thức thanh toán thay thế, từ đó tạo niềm tin cho thị trường trái phiếu. Trong mọi trường hợp, trái chủ phải đảm bảo rằng các hình thức thanh toán thay thế (tài sản phi tiền mặt) phù hợp với giá trị hiện tại của tất cả dòng tiền trong tương lai mà tổ chức phát hành trái phiếu hứa hẹn với họ” - TS Ronald Ravinesh Kumar nhận định.
Mở thêm cửa cho thị trường trái phiếu DN
Theo Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tổng giá trị trái phiếu DN riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 ước tính ở mức 235.000 tỉ đồng. Trong đó, các công ty bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 100.000 tỉ đồng.
“Chúng tôi kỳ vọng các chính sách mới hiện nay, bao gồm Nghị định 08/2023 về trái phiếu riêng lẻ và Nghị quyết 33/2023 vừa ban hành của Chính phủ, sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho các thành viên thị trường thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ. Đồng thời cũng hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng mới khi các biện pháp cho vấn đề pháp lý bất động sản được triển khai” - Công ty FiinRatings đánh giá.
Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các cá nhân và tổ chức cho dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021, trong đó có quy định về tổ chức tín dụng được mua bán trái phiếu DN. Theo các chuyên gia, nếu đi vào hiệu lực, Thông tư 16 sẽ giúp mở thêm cửa và tác động tích cực cho thị trường trái phiếu DN. Ví dụ, dự thảo quy định tổ chức tín dụng được phép mua lại trái phiếu DN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM mà tổ chức tín dụng trước đó đã bán ra đến trước ngày 31-12-2023.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-trai-phieu-co-dau-hieu-hoi-sinh-tro-lai-post726473.html