Thị trường trong nước: Từ bệ đỡ đến bệ phóng

Sứ mệnh của thị trường trong nước đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển, không chỉ dừng lại ở vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế mà còn là bệ phóng quan trọng cho hàng hóa, dịch vụ vươn ra chiếm lĩnh thị trường. Tạp chí Công Thương đã có buổi phỏng vấn với bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương về vấn đề này.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Phát triển toàn diện thị trường trong nước

PV: Thưa bà, bà có thể chia sẻ về tình hình thị trường trong nước nửa đầu năm 2023?

Bà Lê Việt Nga: Có thể thấy rõ là thị trường trong nước qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 đã thể hiện rất rõ là một bệ đỡ cho nền kinh tế trong nước, cũng như phục vụ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam và nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, trong của hộ sản xuất kinh doanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng vẫn tiếp tục tăng theo đà của những năm vừa qua. 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 10,9%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng đến 9,3%; đặc biệt những nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng đến 13,5%, hàng may mặc tăng 9,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm đến gần 80% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

PV: Nhờ đâu chúng ta có được những kết quả tích cực như vậy, thưa bà?

Bà Lê Việt Nga: Những năm vừa qua, việc phát triển thị trường trong nước đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, như phát động Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hay những chỉ đạo của Ban Bí thư trong bình ổn thị trường trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa theo hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Trên cơ sở những định hướng lớn này, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến thực hiện Cuộc vận động, bình ổn thị trường dịp lễ, Tết hay những lúc có biến động thị trường như bão lũ, dịch bệnh; qua đó làm căn cứ cho các Bộ, ngành và địa phương triển khai thông suốt, đồng bộ.

Ngoài ra, những sáng kiến từ các địa phương cũng như các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng là một điểm sáng. Tới nay đã có gần 50 tỉnh, thành phố thường xuyên thực hiện chương trình bình ổn thị trường, nhờ vậy thị trường trong nước luôn luôn được thông suốt, giảm bớt khâu trung gian, người dân được sử dụng hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng về chất lượng, giá cả hợp lý ngay cả trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid-19. Liên quan đến hoạt động bình ổn, không thể bỏ qua vai trò của Tổ Điều hành thị trường trong nước mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương là đơn vị thường trực giúp việc cho hoạt động. Tổ điều hành đã làm rất tốt nhiệm vụ theo dõi thị trường sát sao, hàng tháng báo cáo lên Chính phủ và có những động thái, giải pháp để xử lý kịp thời trước những biến động thị trường.

Bộ Công Thương thời gian qua đã triển khai thảnh công nhiều chương trình có tác động lớn đến thị trường trong nước, như Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 và Đề án giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia xúc tiến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng hiệu quả; các chương trình gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa sản phẩm hàng hóa OCOP vào trong các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, thiết lập mô hình điểm bán hàng OCOP gắn với du lịch - đầu tư để kêu gọi đầu tư phát triển khu vực nông thôn theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc truyền thống.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện các chương trình phát triển, mở rộng các chuỗi phân phối thực phẩm an toàn, thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm, qua đó đưa mục tiêu phát triển kênh chợ truyền thống tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, đạt mục tiêu nông thôn mới; chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; chương trình thúc đẩy tiêu dùng xanh; chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới; đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn đến năm 2030;…

Những chương trình này đã đạt được nhiều kết quả, góp phần phát triển chuỗi cung ứng tại thị trường trong nước toàn diện từ sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng.

Sức lan tỏa của một Cuộc vận động

PV: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ đề nóng của thị trường trong nước những năm gần đây, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân biết đến và chung tay hưởng ứng, phát triển Cuộc vận động. Bà đánh giá thế nào về bước phát triển trong sự lan tỏa, ảnh hưởng của Cuộc vận động đến thị trường nội địa?

Bà Lê Việt Nga: Đối với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng ta vẫn hay nói về các hàng hóa “vật lý”, sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, Cuộc vận động đã vượt qua giới hạn hàng hóa để tiến đến cả ưu tiên dùng dịch vụ Việt Nam, cho thấy tính lan tỏa của việc thực hiện Cuộc vận động trong thời gian qua.

Bộ Công Thương đã đồng hành cùng các Bộ, ngành để phát triển kết nối các dịch vụ, từ du lịch đến ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, logistics,… tạo thành một “hệ sinh thái Việt Nam” tại thị trường trong nước. Ví dụ như Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh chuyển đổi số các dịch vụ ngành Công Thương nói riêng và toản nền kinh tế nói chung, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt; đồng thời đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Đặc biệt, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với Vụ Bưu chính tổ chức kết nối cung cầu, thúc đẩy đưa các sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm, sản phẩm hàng Việt tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp bưu chính như Postmart.vn của VNPost, Voso.vn của Viettel Post. Đây là một kênh phân phối hàng Việt nói chung và nông sản Việt nói riêng rất hiệu quả thời gian qua, nhất là trong giai đoạn Covid-19 khi chuỗi cung ứng đối diện nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Cuộc vận động cũng được lan tỏa thông qua hệ thống Đảng, như Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương đã ban hành chủ trường doanh nghiệp trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ sản phẩm của nhau. Thực hiện chủ trương này, trong 3 năm 2020-2022, có 24/38 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng.

Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã giúp nhiều doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty…

Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã giúp nhiều doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty…

Một kênh kết nối khác là lan tỏa thông qua việc hợp tác, ký kết giữa các Hiệp hội. Vụ Thị trường trong nước mới đây đã cùng Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam làm việc với Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam và Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng để cùng hỗ trợ nhau trong hình thành được những chuỗi cung ứng thực phẩm, lương thực bảo đảm an toàn thực phẩm và hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là cũng là hoạt động triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 300/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương triển khai Mô hình phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn.

Hay đối với hoạt động truyền thông, chúng tôi cũng đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ không có đủ nguồn lực, bộ máy để làm marketing, truyền thông cho sản phẩm, dịch vụ, như thông qua các sự kiện mà Tạp chí Công Thương chủ trì tổ chức, hay thông tin đăng tải trên báo chí, website, Facebook Fanpage,… của các sự kiện này đã giúp doanh nghiệp rất nhiều trong quảng bá hình ảnh, sản phẩm dịch vụ của họ và tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Điểm sáng kết nối doanh nghiệp - địa phương

PV: Một nội dung khác vừa được bà nhắc đến trong bức tranh tổng thể thị trường trong nước là kết nối cung cầu. Đây cũng là một trong những điểm sáng được các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, địa phương đánh giá rất cao. Xin bà cho biết thêm những nỗ lực của các bên đã mang lại kết quả như thế nào cho hoạt động kết nối cung cầu tại thị trường trong nước thời gian qua?

Bà Lê Việt Nga: Đúng như vậy, trong quá trình công tác tôi đã di chuyển đến nhiều địa phương, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, và đều nhận được nhận xét, đánh giá cao đối với những hoạt động của Bộ Công Thương, trong đó có việc kết nối cung cầu. Đây đã trở thành hoạt động được trông đợi nhiều để hỗ trợ kết nối, duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gắn với phát triển bền vững nền kinh tế.

Tháng 6 vừa qua, Vụ Thị trường trong nước đã cùng với WinCommerce đi vào Nghệ An tham dự Diễn đàn Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền Nghệ An. Trong khuôn khổ Diễn đàn, WinCommerce đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa nói chung và Nghệ An nói riêng vào chuỗi gần 3.500 siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc. Đồng thời, góp phần kiểm soát chuỗi cung ứng nông sản xanh, bền vững cho Nghệ An thông qua triển khai rất nhiều hoạt động như nghiên cứu xây dựng chương trình tập huấn, đào tạo cho nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật canh tác rau củ quả công nghệ cao; thông tin về các tiêu chuẩn hàng hóa tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ hiện đại, các quy định, xu hướng về sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm…

Mới đây thôi thì Vụ Thị trường trong nước cũng đã kết nối để siêu thị Tứ Sơn - An Giang làm việc với Sở Công Thương 3 tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Sơn La để đưa hàng hóa đặc trưng các vùng miền vào hệ thống của Tứ Sơn và xa hơn nữa là xuất khẩu sang Campuchia, góp phần nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, mở ra cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm.

Còn rất nhiều chương trình thiết thực khác được triển khai ngay trong tháng 6 này như Saigon Co.op ký kết bao tiêu cho sản phẩm của 35 đơn vị cung ứng sản xuất đặc sản của tỉnh Tây Ninh, không chỉ nhằm phục vụ cho thị trường trong nước mà còn thông qua đối tác chiến lược của Saigon Co.op là NTUC FairPrice để xuất khẩu đặc sản Tây Ninh ra thị trường quốc tế; hay Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội diễn ra theo 3 kỳ tại AEON MALL Hà Đông và AEON MALL Long Biên có quy mô khoảng 70 gian hàng với sự tham gia của khoảng 60 tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể OCOP đến từ 20 tỉnh, thành phố; rồi Ngày hội trái cây Việt Nam do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức diễn ra trong 2 tuần, ước tính tiêu thụ đến 700 tấn trái cây của các địa phương trên cả nước…

Có thể nói rằng một trong những thành công của Bộ Công Thương cũng như Vụ Thị trường trong nước là đã kêu gọi được cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện những mục tiêu quan trọng mà Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra. Sự đóng góp của cộng đồng, từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp, địa phương đang cùng cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi thúc đẩy phát triển thị trường nội địa.

Phân khúc nhỏ hơn để khai thác tốt thị trường

PV: Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến sự xuất hiện của một loạt các mô hình bán lẻ mới, với vị trí địa lý và đối tượng khách hàng rất đặc thù. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về xu hướng này?

Bà Lê Việt Nga: Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp phân phối trong đa dạng hóa các mô hình bán lẻ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, góp phần đạt được mục tiêu Chiến lược Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trước hết, nỗ lực này đang giúp chương trình phát triển hạ tầng thương mại nông thôn đang đi theo một hướng mới, văn minh và hiện đại. Rất nhanh thôi, các hệ thống phân phối lớn sẽ đều có mặt và khai thác thị trường khu vực nông thôn hiệu quả.

Ví dụ như WinCommerce, ngay trong tháng 5 vừa rồi họ đã khai trương được 20 điểm bán hàng ở khu vực nông thôn theo mô hình mới là WinMart+ Rural, với hàng hóa chọn lọc phù hợp lối sống và khả năng kinh tế, tập trung mạnh vào các chương trình khuyến mãi, đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành tốt nhất nhờ thỏa thuận được với các nhà cung cấp.

Hay Central Retail vừa qua cũng ra mắt mô hình mini go!, là cửa hàng mua sắm quy mô nhỏ tích hợp hướng đến khách hàng phân khúc bình dân, phục vụ nhu cầu mua sắm ở các tỉnh thành vừa và nhỏ, các vùng nông thôn.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng tìm cách nâng cao trải nghiệm của khách hàng thuộc phân khúc tại khu vực đô thị, phân khúc thu nhập cao hơn.

Đơn cử, ngày 23/6 vừa qua, WinMart đã mở một mô hình siêu thị mới ở quận Cầu Giấy, Hà Nội để phục vụ đối tượng người tiêu dùng có thu nhập tốt, thu nhập trung bình khá trở lên. Đây là mô hình siêu thị được WinMart chú trọng đầu tư phát triển tại các khu vực thành thị đông dân cư nhằm tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.

Trước đó, vào cuối tháng 4, WinMart cũng khai trương siêu thị cao cấp WinMart Premium đầu tiên tại quận 7, TP.HCM. Tới đây, tùy vào từng địa điểm, WinCommerce sẽ triển khai các mô hình WinMart Premium (trung bình 500-800m2) - đặt tại các khu dân cư, đô thị cao cấp; WinMart Urban (1.000-2.000m2) - đặt tại các khu vực thành thị tấp nập.

Ngoài ra, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có chuỗi Thực phẩm Ân Nam đang ngày càng phát triển, phục vụ đối tượng là các chuyên gia nước ngoài, những người có thu nhập rất cáo ở Việt Nam, có nhu cầu mua và trải nghiệm các dòng sản phẩm “premium quality” của thế giới và của Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rằng các đối tượng khách hàng, từ người có thu nhập thấp cho đến những người có thu nhập cao đều có được hệ thống phân phối phục vụ, đáp ứng theo đúng nhu cầu. Cần nhìn nhận sâu hơn, rằng những mô hình này sẽ góp phần thu hút phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao bao gồm cả người dân Việt Nam và người nước ngoài đến làm việc, phát triển. Sứ mệnh của thị trường trong nước, qua đó, đang ngày càng được hoàn thiện.

Về phía mình, Bộ Công Thương cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về chợ truyền thống để thu hút đầu tư công và nguồn lực xã hội hóa vào nâng cao, phát triển hệ thống phân phối truyền thống này.

Từ bệ đỡ đến bệ phóng

PV: Rất nhiều kết quả toàn diện thu được từ các Chương trình đã làm nên một “bệ đỡ” thị trường trong nước vững chãi cho nền kinh tế trước những biến động khó khăn của bối cảnh chung. Trong 6 tháng cuối năm 2023, sẽ có những đột phá nào mới được triển khai, thưa bà?

Bà Lê Việt Nga: Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, đây là cú hích rất tốt cho thị trường trong nước.

Đây là thời điểm quan trọng mà Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đồng hành cùng Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cũng như cộng đồng doanh nghiệp sản xuất để đón được cơ hội này, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Để tận dụng tốt hơn các công cụ kích cầu thị trường như xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước đã cử thành viên tham gia cùng với Cục Xúc tiến thương mại trong Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có một bước đột phá mới là tổ chức các điểm khuyến mại theo xu thế chung đang được triển khai rất hiệu quả trên thế giới là mô hình outlet. Các cửa hàng outlet sẽ bán những sản phẩm hàng hóa được giảm giá thường xuyên, liên tục với mức khuyến mại hấp dẫn, qua đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận hàng hóa thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn khi tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm của ta trên thế giới bị suy giảm. Cùng với mô hình outlet thì các cửa hàng miễn thuế (duty-free) cũng sẽ được thúc đẩy triển khai trong thời gian tới.

Một điểm nổi bật nữa của thị trường trong nước năm nay là chúng tôi sẽ xây dựng 7 mô hình điểm bán hàng hai chiều phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tức một mặt đưa hàng hóa từ miền xuôi có chất lượng, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, đến với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; đồng thời thu mua các nông sản có chất lượng của bà con để đưa về xúc tiến tiêu thụ tại thị trường dưới xuôi.

Chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các hệ thống phân phối, đặc biệt là các trung tâm thương mại, bố trí những địa điểm bắt mắt vào khoảng thời gian cuối tuần để làm nơi trình diễn, giới thiệu bản sắc dân tộc vùng miền, quảng bá cho các đặc sản của từng địa phương đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố lớn, các khu du lịch tập trung đông du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, những hoạt động trọng tâm sẽ kéo dài từ tháng 7 đến cuối tháng 12 năm nay là các chương trình kích cầu trên toàn quốc, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam được tổ chức thường niên, chương trình Online Friday trên các sàn thương mại điện tử,… với những hình thức mới, đa dạng và có sự chọn lọc kĩ lưỡng hơn về chất lượng hàng hóa.

Năm nay là một năm rất đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 được chuyển từ bệnh nhóm A sang nhóm B, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho thị trường trong nước để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đưa nhiều hàng hóa hơn đến với người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn cả với khách du lịch nước ngoài khi Việt Nam mở cửa.

Chúng tôi hy vọng rằng, Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được thúc đẩy triển khai đồng loạt từ Trung ương đến địa phương, từ các Bộ, ngành có liên quan, các đơn vị trong Bộ Công Thương đến cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng vào cuộc để làm nên một “chiến dịch” thực hiện Chiến lược này thành công. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm sẽ là phát triển thị trường trong nước làm sao để đạt được mục tiêu đến năm 2030, tức là trong 7 năm nữa, chúng ta sẽ có lượng hàng hóa có chất lượng, được truy xuất, nguồn gốc rõ ràng, có giá thành bình ổn; hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại ở cả khu vực thành thị và nông thôn được phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, chiếm 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc dân tộc, không chỉ dừng lại ở vai trò bệ đỡ mà còn là bệ phóng để sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp được thúc đẩy tiêu thụ, vươn ra chiếm lĩnh thị trường mạnh mẽ.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thy Thảo - Ảnh: Phạm Sơn

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thi-truong-trong-nuoc-tu-be-do-den-be-phong-106879.htm