Thiết kế sinh thái bao bì nhựa trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống
Ngày 21-2, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức Hội thảo về thiết kế sinh thái bao bì nhựa trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Trung Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đánh giá, thiết kế sinh thái là cách tiếp cận chủ động trong quá trình phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ theo hướng giảm thiểu tác động môi trường trong suốt vòng đời (từ giai đoạn lựa chọn nguyên vật liệu đến thải bỏ), tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tác động tới môi trường thấp nhất có thể. Thiết kế sản phẩm phù hợp có thể giúp giảm 80% tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm.
TS Đinh Quang Hưng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thông tin, kinh doanh thực phẩm và đồ uống ở Việt Nam là một trong những ngành kinh tế đóng góp đáng kể cho GDP. Doanh thu của ngành kinh tế này năm 2023 đạt khoảng 590 tỷ đồng.
Nhu cầu tiêu dùng đối với ngành này cũng ngày càng tăng. Việc thiết kế sinh thái bao bì của ngành thực phẩm, đồ uống sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng tài nguyên bền vững, xây dựng hình ảnh thương hiệu xanh, bền vững.

Các sản phẩm thân thiện với môi trường được người dân TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ưa chuộng.
Thảo luận về bộ tiêu chí thiết kế đối với bao bì nhựa trong ngành thực phẩm và đồ uống, các chuyên gia cho rằng, cần có 7 nhóm tiêu chí, gồm: Tối ưu hóa vật liệu; dễ dàng tái chế; thiết kế đa chức năng hoặc tái sử dụng; tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm tác động lên môi trường; tăng cường thông tin và nhận diện sinh thái; đảm bảo an toàn thực phẩm; phù hợp với thói quen tiêu dùng Việt Nam.
Về lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái, các đại biểu đề xuất triển khai theo giai đoạn để bảo đảm phù hợp với khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Trong đó, giai đoạn đầu tập trung vào định hướng doanh nghiệp thực hiện theo các nguyên tắc của thiết kế sinh thái, giai đoạn sau có thể ban hành các quy định với chỉ tiêu cụ thể đối với sản phẩm.
Để thúc đẩy thiết kế sinh thái, theo các chuyên gia, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cần làm rõ những lợi ích lâu dài cả về môi trường và kinh tế trong thiết kế sinh thái; thúc đẩy tư duy về toàn bộ vòng đời sản phẩm, để doanh nghiệp nhìn nhận toàn diện hơn về tác động môi trường của sản phẩm. Từ đó, nhận diện nhiều cơ hội để lựa chọn các giải pháp can thiệp.