Thiếu máy bay trầm trọng, cách nào 'cứu cánh' ngành hàng không?

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, tăng chuyến bay đêm được xem là một trong những giải pháp quan trọng 'cứu cánh' ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh thiếu hụt máy bay trầm trọng.

Khó khăn chồng chất sau đại dịch

Theo Cục Hàng không Việt Nam, số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng hàng không tính đến cuối tháng 3 năm nay khoảng 170 chiếc, giảm 40-45 chiếc so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân đến từ việc một số hãng tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm quy mô đội tàu bay. Bamboo Airways trước đây có 28 máy bay, giờ chỉ còn 9 chiếc hoạt động sau khi trả công ty cho thuê toàn bộ máy bay Embraer E190.

Pacific Airlines đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác. Hãng đang xây dựng kế hoạch thuê khô (chỉ thuê máy bay) 3 máy bay từ Vietnam Airlines để duy trì số lượng tàu tối thiểu nhằm giữ giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).

Nhiều hãng bay trong nước đối mặt tình trạng thiếu hụt máy bay.

Nhiều hãng bay trong nước đối mặt tình trạng thiếu hụt máy bay.

Từ đầu năm 2024, nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) phải triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Vietnam Airlines và Vietjet Air có khoảng 40 máy bay sử dụng động cơ này nên sẽ phải dừng khai thác năm 2024 - 2025 để bảo dưỡng, thậm chí thời gian khắc phục có thể lâu hơn dự kiến.

Vấn đề giảm khả năng khai thác có thể khiến các hãng bay tiếp tục gặp khó khăn trong việc xoay vòng nguồn vốn. Hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không trong nước liên tục gặp khó khăn sau thời gian đại dịch COVID-19. Bằng chứng là năm 2023 kết quả kinh doanh của các hãng hàng không không mấy sáng sủa, đa phần các hãng đều bị lỗ, giảm lợi nhuận...

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) - cho biết, cho đến trước thời điểm đại dịch Covid-19 khởi phát, các hãng hàng không Việt Nam, kể cả Vietnam Airlines, dù có tốc độ tăng trưởng khá cao, tuy nhiên quy mô vẫn còn nhỏ, nguồn lực nội tại hạn chế, vấn đề quản trị rủi ro chưa hiệu quả, thiếu tiềm lực tài chính cũng như công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Khai thác vận tải hàng không là ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp, do yêu cầu về vốn đầu tư và chi phí vận hành cao mà doanh thu phụ thuộc lớn vào biến động nhu cầu thị trường và các quy định về giá vé" - ông Thắng nói.

Đảm bảo nguồn tài chính đang là vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Đảm bảo nguồn tài chính đang là vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không, hoạt động vận tải hàng không rất dễ bị tác động và nhạy cảm với những biến động từ bối cảnh địa chính trị - kinh tế, các quy định chính sách, cũng như các diễn biến bất ngờ, phức tạp của thiên tai, dịch bệnh tại mỗi quốc gia. Những yếu tố và hạn chế này đã bộc lộ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hệ quả của nó cùng với những vấn đề chính trị - kinh tế phức tạp trong những năm tiếp theo là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn cho các hãng bay trong nước.

Loạt giải pháp gỡ khó

Đề cập tới vấn đề về triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng cho biết đều này gây biến động đội tàu bay và có những tác động nhất định đến quy mô đội tàu bay và tải cung ứng trên các đường bay.

"Thời gian qua Cục HKVN tập trung rà soát các kế hoạch, chính sách liên quan, tổ chức thực hiện các biện pháp thích ứng với tình hình thực tế. Trong giai đoạn ngành hàng không bị ảnh hưởng bởi sự biến động đội tàu bay, Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không công bố hàng ngày trên trang thông tin điện tử của hãng hoặc các phương tiện thông tin khác danh sách các chuyến bay thay đổi giờ khai thác để hành khách có thông tin bố trí hành trình đi lại cho phù hợp" - ông Thắng nói.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhấn mạnh một trong những phương án quan trọng mà Cục HKVN đã chỉ đạo, triển khai để các hãng thực hiện ngay từ thời điểm đầu năm và giai đoạn Tết Nguyên đán là việc tổ chức, tăng cường hoạt động bay vào các khung giờ đêm tại các cảng hàng không, sân bay đủ điều kiện khai thác. Phương án này đã thể hiện sự hiệu quả trong thời gian triển khai vừa qua đối với việc đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không dịp cao điểm Tết.

Để hỗ trợ các hãng hàng có dòng tiền, ổn định nguồn lực tài chính trong hoạt động khai thác, Cục HKVN đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ ngành hàng không như điều chỉnh phí, lệ phí, áp dụng thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, nới lỏng khung giá trần vé máy bay...

Tăng cường chuyến bay đêm nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách.

Tăng cường chuyến bay đêm nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách.

Cùng với việc triển khai thuê tàu bay để bù đắp việc thiếu hụt tàu bay và tải cung ứng trong ngắn hạn, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng không của năm nay, các hãng hàng không cũng đang đàm phán với nhà sản xuất để đẩy nhanh quá trình bàn giao các tàu bay theo lịch mua, thuê đã ký kết nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực, sẵn sàng cho kế hoạch hoạt động và phát triển trong tương lai. Đáng chú ý, ngay tháng 5 tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng thứ 30.

Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng bay cần thực hiện giải pháp hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay của hãng hàng không.

Theo dự báo của Cục HKVN, động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng của toàn thị trường hàng không trong năm nay sẽ là vận chuyển hàng không quốc tế. Để nắm bắt cơ hội, Cục HKVN đã tích cực làm việc, trao đổi và hợp tác với các Nhà chức trách hàng không của các quốc gia trên thế giới để tạo thuận lợi về hành lang pháp lý, hỗ trợ cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không.

Thống kê 2 tháng đầu năm cho thấy, tổng lượng hành khách trên các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam đạt xấp xỉ 6,8 triệu khách; tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương cùng kỳ năm 2019.

Từ ngày 1/3, Bộ Giao thông vận tải sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Đáng chú ý, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km sẽ có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Theo đại diện của Vietnam Airlines, tính đến hết quý I, giá vé trung bình trên mạng nội địa của hãng chỉ đạt 76% so với khung giá, dưới mức giá trần khá xa.

Điển hình, giá vé trên các chặng bay như Sài Gòn - Vân Đồn chỉ đạt khoảng 43%, và Sài Gòn - Phú Quốc chỉ đạt 83% so với giá trần. Trong một số trường hợp, giá vé đã tăng cao so với những năm trước đây, tuy nhiên các hãng hàng không vẫn phải cân nhắc, không tăng giá quá mức để đảm bảo hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Trần Đình

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thieu-may-bay-tram-trong-cach-nao-cuu-canh-nganh-hang-khong-post1625599.tpo