Thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học: Linh động thích ứng

Năm học 2022-2023 đã bước qua 2/3 chặng đường. Đến thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vẫn chưa được cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, thay vì chờ được cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập, các trường và giáo viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn này để tránh tình trạng 'dạy chay', 'học chay' làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học

Năm học 2022-2023, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp có 8 lớp với 273 học sinh. Đến thời điểm này, trường vẫn chưa được cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để giúp các em tiếp cận bài giảng dễ dàng hơn, tùy môn học, các thầy cô tự làm dụng cụ thực hành để khắc phục tình trạng dạy chay, học chay.

Đơn cử như tại tiết học Khoa học tự nhiên của lớp 6A1, do chưa được cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập, cô Ninh Thị Hường đã phải bỏ ra gần 900 ngàn đồng mua ống nhựa, khung sắt để thiết kế hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời giúp các em trải nghiệm những giây phút thực hành quý giá. Cô Hường cho biết: Đối với môn Khoa học tự nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT phải có các mô hình đi kèm để bổ trợ bài giảng. Do chưa được cấp trang thiết bị nên các thầy cô phải tự làm hoặc thuê làm một số mô hình, sản phẩm để các em tiếp thu bài một cách chủ động và sáng tạo hơn trong quá trình tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiết học môn Khoa học tự nhiên của lớp 6A1, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp với mô hình hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời do cô Ninh Thị Hường chế tạo

Tiết học môn Khoa học tự nhiên của lớp 6A1, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp với mô hình hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời do cô Ninh Thị Hường chế tạo

Em Nguyễn Tường Vi, học sinh lớp 6A2, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp cho hay: Nếu chăm chú học lý thuyết, chúng em chỉ hiểu được một phần nào đó của bài giảng. Khi được thầy cô thực hành bằng các mô hình, học cụ, em thấy dễ hiểu hơn rất nhiều. Đặc biệt, những vật dụng để làm các mô hình được tận dụng từ chai nhựa, ống nhựa rất gần gũi nên nhiều bạn sau khi thực hành có thể tự tay chế tạo sản phẩm.

Chưa có thiết bị dạy học phục vụ môn Tiếng Anh, cô Lê Thị Minh, Trường THCS Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp phải sử dụng những tấm giấy khổ A0 cắt làm đôi giúp các em tiếp cận từ mới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cách làm này không khác với chương trình cũ mà giáo viên đã thực hiện từ nhiều năm qua. Việc giảng dạy vì thế tốn nhiều thời gian, giáo viên cũng vất vả hơn. Cô Minh cho biết: Đối với môn Tiếng Anh, bên cạnh tập trung phát triển kỹ năng nghe, nói thì việc lựa chọn thiết kế phiếu học tập, tranh ảnh cũng rất cần thiết. Do chưa được cấp trang thiết bị nên chúng tôi phải thao tác thủ công để giúp các em tiếp thu bài tốt hơn.

Tiết học Tiếng Anh của các em học sinh Trường THCS Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp được khai thác nguồn học liệu mở thông qua màn hình tivi

Tiết học Tiếng Anh của các em học sinh Trường THCS Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp được khai thác nguồn học liệu mở thông qua màn hình tivi

Thầy Nguyễn Văn Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành chia sẻ: Nhiều môn học trong chương trình mới là khoa học thực nghiệm. Chương trình được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành. Theo định hướng này, cần trang bị các thiết bị dạy học đa dạng về chủng loại: tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hóa chất, thiết bị kỹ thuật nghe - nhìn, các loại máy móc. Tuy nhiên, trang bị được đầy đủ theo quy định là rất khó đối với nhà trường. Do đó, giáo viên phải tận dụng các thiết bị cũ, thiết kế mô hình, tự tìm kiếm các video, thí nghiệm ảo phù hợp phục vụ bài dạy.

Tăng cường khai thác nguồn học liệu mở

Nguồn học liệu mở là giải pháp then chốt được các giáo viên sử dụng. Việc khai thác nguồn học liệu trên internet, kho tài liệu số, phần mềm để lấy hình ảnh minh họa hoặc video làm thực hành, thí nghiệm ảo phần nào giúp bài giảng sinh động hơn.

Trường THCS&THPT Tân Tiến hiện có 28 lớp với gần 1.000 học sinh. Những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, năm học 2022-2023, trường đưa vào sử dụng khu hiệu bộ, khu bộ môn với 21 phòng và 1 nhà thi đấu đa năng với diện tích 560m2.

Cô Ninh Thị Hường, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp giảng bài trên cơ sở mô hình học cụ hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời do cô chế tạo

Cô Ninh Thị Hường, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp giảng bài trên cơ sở mô hình học cụ hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời do cô chế tạo

Thầy Trần Minh Trí, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Tân Tiến cho biết: Khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dạy và học chương trình mới do thiếu thiết bị dạy học là điều không thể tránh khỏi. Tinh thần chung, trường luôn chủ động khắc phục trong khả năng của mình. Trong đó, để khai thác hiệu quả nguồn học liệu mở, trường đã cân đối, vận động mua sắm, bố trí mỗi phòng học một tivi, các giáo viên chủ động mua máy tính xách tay để phục vụ dạy, học.

Còn thầy Nguyễn Văn Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành chia sẻ: Bằng các nguồn khác nhau, thời gian qua, trường đã chủ động mua sắm thêm các trang thiết bị để bổ trợ dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2022-2023, trường được UBND huyện, Phòng GD&ĐT trao tặng những thiết bị như bảng trượt thông minh, tivi tương tác thông minh để khai thác hiệu quả nguồn học liệu mở.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục huyện Bù Đốp quản lý 22 trường, với hơn 12.000 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu trang thiết bị dạy học, trước đó ngành giáo dục huyện đã rà soát và đề xuất những danh mục mua sắm của các đơn vị trường học theo quy định của Bộ GD&ĐT về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ khối lớp 1 được cấp trang thiết bị, dụng cụ học tập. Ngành giáo dục huyện đã phải chủ động khắc phục khó khăn để tránh tình trạng “dạy chay”, “học chay” làm ảnh hưởng chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với một huyện biên giới, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí của địa phương cũng như các nguồn vận động xã hội hóa còn hạn chế, để đảm bảo chất lượng giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ quan chức năng cần sớm cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các trường.

Chúng tôi chỉ đạo các trường tăng cường sử dụng trang thiết bị hiện có để khai thác và triển khai dạy học hoặc vận động thầy, cô giáo làm đồ dùng dạy học. Đồng thời chỉ đạo các trường tăng cường xã hội hóa để mua sắm thiết bị; vận động thầy cô chủ động, tích cực trong khai thác kho dữ liệu số do Bộ GD&ĐT cung cấp để triển khai trong quá trình dạy và học, đảm bảo tiết học sinh động, hiệu quả hơn.

Ông TRẦN ĐÌNH TRỌNG, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/142663/thieu-thiet-bi-do-dung-day-hoc-linh-dong-thich-ung