Thượng úy công an ở 'siêu' phường Hà Nội và tình huống cứu mạng đầy xúc động
Hơn 10 năm công tác tại 'siêu' phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Thượng úy Nguyễn Thế Anh không chỉ có bộn bề công việc hằng ngày mà còn có nhiều câu chuyện xúc động, lưu lại kỷ niệm sâu sắc.
Phường Hoàng Liệt nằm ở cửa ngõ phía nam Thủ đô, với diện tích chưa đầy 5km2 nhưng dân số lên tới gần 100.000 người, ngang ngửa một thành phố thuộc tỉnh.
Trong đó, phần đông là người dân chuyển từ nơi khác đến, các thủ tục hành chính cần giải quyết hằng ngày rất lớn; nhiều sự vụ phát sinh, các vấn đề giáo dục, dân sinh xã hội, an ninh trật tự... luôn nóng.
Từ ngày 1/3, sau khi Hà Nội giải thể công an cấp huyện, lực lượng cán bộ, chiến sĩ tại Công an phường Hoàng Liệt tăng từ 44 lên 66 người.
Thượng úy Nguyễn Thế Anh với 33 năm tuổi đời đã có 11 năm công tác tại phường. Từ năm 2024 đến nay, anh được giao phụ trách quản lý hơn 2.500 cư dân sinh sống tại 5 tòa chung cư Bắc Linh Đàm và các khu biệt thự xung quanh.

Thượng úy Nguyễn Thế Anh đã có 11 năm công tác tại phường Hoàng Liệt.
Anh cho biết, nhiều cư dân là người từ nơi khác chuyển đến. Ban ngày họ đi làm, buổi tối mới tranh thủ đến Công an phường để giải quyết các thủ tục như đăng ký tạm trú, tạm vắng, xin xác nhận cư trú...
Vì vậy, cán bộ phụ trách địa bàn như anh, ngoài thời gian xuống khu dân cư còn luôn túc trực tại trụ sở để tiếp dân, đảm bảo công việc được giải quyết kịp thời.
Thượng úy Nguyễn Thế Anh chia sẻ, nhiều hôm đi kiểm tra an ninh trên địa bàn, anh tranh thủ phổ biến thêm cho bà con về một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.
“Nhờ gắn bó lâu với địa bàn, tôi nắm khá rõ tình hình dân cư nơi đây”, Thượng úy Nguyễn Thế Anh cho hay.
Trong 11 năm công tác đó, Thượng úy Nguyễn Thế Anh không chỉ có bộn bề công việc hằng ngày mà còn có nhiều câu chuyện xúc động, lưu lại kỷ niệm sâu sắc.
Chẳng hạn, một đêm mưa rét cuối tháng 2, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tổ bảo vệ an ninh cơ sở số 21 phường Hoàng Liệt bất ngờ phát hiện người đàn ông nằm co giật trên vỉa hè thuộc tổ dân phố 21.

Thượng úy Nguyễn Thế Anh kiểm tra tình trạng của ông C.
Thượng úy Nguyễn Thế Anh nhớ lại: “Từ xa, chúng tôi phát hiện một người đàn ông (Nguyễn Văn C., SN 1977, quê Thanh Hóa – PV) đang nằm co giật bên cạnh chiếc xe đạp.
Khi đến gần, chúng tôi nhận thấy ông C. có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng, giọng nói rất yếu. Không chần chừ, chúng tôi lập tức sơ cứu và gọi lực lượng cấp cứu 115 đưa ông đi bệnh viện”.
Thượng úy Nguyễn Thế Anh xúc động kể tiếp, sau đó, không ai bảo ai, các chiến sĩ trong tổ cùng người dân xung quanh đã tự nguyện quyên góp tiền hỗ trợ ông C. điều trị. Chiếc xe đạp, tài sản duy nhất của ông C., được tổ công tác mang về trụ sở cất giữ cẩn thận.
Một tuần sau, khi sức khỏe đã ổn định, ông C. tới trụ sở nhận lại xe. Ông C. cho biết, ông một mình đạp xe từ quê nhà Thanh Hóa ra Hà Nội tìm kế mưu sinh. Chặng đường dài nhiều ngày khiến ông đói lả, mệt rã rời.
Ông C. mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vợ bỏ đi để lại đứa con gửi bà ngoại nuôi. Ông cũng không có người thân ở Hà Nội. Gặp đúng đêm mưa rét, ông bị cảm nặng, sốt cao và co giật.
“Tôi không biết nói gì ngoài hai tiếng ‘cảm ơn’. Nếu không có các anh công an giúp đỡ có lẽ tôi đã không qua khỏi”, vị Thượng úy nhắc lại lời ông C.
Một câu chuyện khác cũng khiến Thượng úy Nguyễn Thế Anh ghi nhớ sâu sắc. Đó là vào một đêm khuya đầu tháng 1, anh nhận được cuộc gọi từ Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội báo tin có người định tự tử trên địa bàn. Anh cùng các đồng đội lập tức lên đường làm nhiệm vụ.
“Trên đường đi, tôi chỉ nghĩ phải làm sao để động viên cô gái tuyệt vọng ấy giữ lại mạng sống quý giá của mình”, anh chia sẻ.

Thượng úy Nguyễn Thế Anh động viên cô gái có ý định tự tử.
Khi đến nơi, anh thấy một cô gái trẻ mắc chứng tự kỷ đang cố thủ trong nhà và dùng dao rạch tay với ý định kết thúc cuộc đời.
Thượng úy Nguyễn Thế Anh kể lại những lời anh đã nói với cô gái lúc ấy: “Em không phải là gánh nặng. Em là người có cách cảm nhận cuộc sống sâu sắc, tinh tế, đôi khi đau đớn, nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ. Việc em vẫn ở đây, dù trải qua bao mệt mỏi và tuyệt vọng, đã là một điều kỳ diệu.
Em không cần phải giống ai cả. Chính sự khác biệt ấy có thể trở thành ánh sáng dẫn đường cho người khác. Hãy cho mình thêm thời gian.
Em cũng không cần mạnh mẽ mỗi ngày, chỉ cần đừng từ bỏ. Ngoài kia còn bao người đang chờ gặp, yêu thương em, như chính con người em. Em xứng đáng được sống, được yêu”.
Sau những lời thuyết phục, động viên kiên trì, chân thành, cô gái dần ổn định tâm lý và bằng lòng để gia đình chăm sóc.
Nhắc lại chuyện cũ, Thượng úy Nguyễn Thế Anh bày tỏ: “Đôi khi, chỉ cần thêm một chút thấu hiểu, một chút yêu thương cũng có thể cứu được một sinh mạng”.