Thiếu vật liệu, tiến độ nhiều gói thầu cao tốc Bắc-Nam đang bị chậm
Cao tốc Bắc-Nam chỉ tính riêng các gói thầu từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cần tới gần 46 triệu m3 đất đắp, 9,04 triệu m3 cát và 17,37 triệu m3 đá. Đây là khối lượng rất lớn, nếu không có sự vào cuộc của địa phương thì rất khó khơi thông được nguồn đất đắp này.
Dù đã khởi công được nửa năm nhưng toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang bị chậm tiến độ, một số dự án triển khai cầm chừng, thậm chí dừng thi công. Cùng với giải phóng mặt bằng thì vật liệu đất, cát đắp và đá xây dựng đang là nỗi lo lớn nhất của các đơn vị thi công tuyến cao tốc Bắc-Nam hiện nay.
Nhiều dự án phải thi công cầm chừng
Tại nhiều gói thầu thi công cao tốc Bắc-Nam, đoạn qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, hay các gói thầu đoạn qua Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…dù mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công. Thế nhưng, công trình vẫn im lìm. Nhiều mũi thi công khác buộc phải làm việc cầm chừng. Thiếu đất đắp nền đang khiến nhiều gói thầu thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 có nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án cao tốc Quy Nhơn-Chí Thạnh với chiều dài tuyến 61,7km đi qua địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 19,6km (huyện An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn); chiều dài qua địa bàn tỉnh Phú Yên khoảng 42,1km (huyện Sông Cầu và huyện Tuy An), các nhà thầu đang huy động tối đa phương tiện, nhân lực thi công. Tuy nhiên, hiện đang bị thiếu vật liệu, chủ yếu là đất đắp nền, nhà thầu đang phải hoạt động cầm chừng.
Ông Lê Văn Thành-Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuận An, đơn vị thi công gói thầu 11-XL cho biết, hiện trên công trường, các nhà thầu của gói thầu này cũng đã huy động trên 97 đầu máy móc thiết bị cùng 203 nhân lực thi công. Đến nay, đã triển khai 12 mũi thi công bao gồm 1 mũi thi công hầm, 5 mũi thi công cầu, 6 mũi thi công đường.
“Liên danh nhà thầu đang triển khai công tác phát quang, dọn dẹp trên các đoạn đã nhận mặt bằng, đã triển khai bãi đúc dầm và đào đắp nền đường. Tuy nhiên, nhà thầu đang gặp khó do thiếu đất đắp nền đường. Vì không có đất đắp đơn vị cũng đã phải dừng thi công cho dù có mặt bằng. Không có đất đắp thì không thể triển khai được công việc gì khác, buộc phải làm cầm chừng”, ông Thành cho biết.
Còn tại tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Đây cũng là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam, sau khi khởi công đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ 84%. Tuy nhiên, việc triển khai thi công dự án đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do mặt bằng “xôi đỗ”.
Đại diện Tổng thầu cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, tại một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân tái định cư chưa di dời, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên người dân chưa đồng ý cho nhà thầu triển khai thi công, đền bù xong nhưng người dân mong muốn khai thác xong nông sản mới bàn giao…
“Đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 84%, đây là tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều vị trí còn “xôi đỗ”, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng gần 40km”, đại diện nhà thầu cho hay.
Bên cạnh đó, nhà thầu cũng cho biết nhu cầu đất đắp toàn tuyến khoảng 12,6 triệu m3 và nhu cầu cát xây dựng khoảng 1,3 triệu m3. Nhà thầu đã chủ động thực hiện công tác khảo sát và trình hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác mỏ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu thi công dự án. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp phải rất nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Thắng-Giám đốc Ban QLDA2 (Bộ GTVT), theo cơ chế đặc thù, thủ tục cấp phép mỏ vẫn không được rút gọn, vì vậy nguồn cung vật liệu xây dựng vẫn đang là thách thức rất lớn đối với nhà thầu.
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giao nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu mới, nhưng đến nay, các địa phương vẫn rất lúng túng trong việc xác định rõ thẩm quyền đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các mỏ đã đượcquy hoạch. Đối với các mỏ thương mại, một số chủ mỏ không xuất được hóa đơn hoặc găm hàng chờ tăng giá.
Ông Nguyễn Lê Minh-Giám đốc điều hành dự án Quy Nhơn-Chí Thạnh mong có sự vào cuộc của chính quyền trong việc thương thảo với người dân trong việc đàm phán mỏ vật liệu, vì nếu không thì rất khó, cao tốc Bắc-Nam chắc chắn không thể hoàn thành đúng tiến độ.
2 thứ trưởng phụ trách 2 tổ công tác về vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam
Theo thống kê của Bộ GTVT, chỉ tính riêng các gói thầu từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cần tới gần 46 triệu m3 đất đắp, 9,04 triệu m3 cát và 17,37 triệu m3 đá. Đây là khối lượng rất lớn, nếu không có sự vào cuộc của địa phương thì rất khó khơi thông được nguồn đất đắp này.
Theo ông Nguyễn Thế Minh-Phó cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT tính đến cuối tháng 6/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng gần 608 km (đạt hơn 84%). Tuy nhiên, diện tích mặt bằng có thể thi công mới đạt hơn 523 km (đạt 72,5%).
Về mỏ vật liệu, các nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; các địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát.
Đối với khu vực ĐBSCL, đến nay, tỉnh An Giang đang triển khai các thủ tục để bố trí khoảng 1,1 triệu m3, Vĩnh Long khoảng 1,1 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí được khoảng 1,9 triệu m3 (dự kiến tiếp tục bố trí khoảng 5,1 triệu m3).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản làm rõ thêm về thủ tục, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường.
Trước những khó khăn về cấp phép mỏ và vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thành lập 2 Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2).
Cụ thể, Tổ công tác số 1 sẽ kiểm tra, làm việc với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định. Tổ này do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm Tổ trưởng; các thành viên là đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ công tác số 2 sẽ kiểm tra, làm việc với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Tổ này do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm là Tổ trưởng; các thành viên là đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hai tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam; tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Mặc dù Bộ GTVT đã cảnh báo ngay từ đầu dự án và đã có nhiều bài học từ việc thi công giai đoạn 1 nhưng đến thời điểm này giải quyết bài toán vật liệu đất đắp cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
8 nội dung mà 2 đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương, cụ thể:
Một là, kiểm tra thành phần hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo yêu cầu của các địa phương.
Hai là, quy trình, trình tự thủ tục, thời gian thực hiện các bước tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xác nhận khối lượng khai thác; các thủ tục phát sinh so với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lý do phát sinh; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ba là, trình tự, thủ tục, các bước thực hiện, thời gian thực hiện từ khi UBND các tỉnh hoàn thành xác nhận đăng ký khối lượng khai thác đến khi nhà thầu khai thác được vật liệu (các thủ tục về đất đai), các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bốn là, công tác phối hợp của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã trong việc cùng chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; các thủ tục về đất đai khu vực mỏ đã thực hiện.
Năm là, việc phân bổ nguồn vật liệu cát đắp cho Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023 và Văn bản số 3926VPCP-CN ngày 31/5/2023.
Sáu là, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương trong việc xác nhận, giao mỏ cho nhà thầu khai thác; nâng công suất mỏ theo cơ chế đặc thù; phân bổ nguồn cát cho dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Bảy là, công tác quản lý giá vật liệu xây dựng theo công bố giá; công tác cập nhật, công bố giá, chỉ số giá của các địa phương.
Tám là, công tác phối hợp của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu trong việc hoàn thiện thủ tục để khai thác mỏ vật liệu xây dựng.