Video thợ ở làng bánh đa Tây Lân (xã Thịnh Trường, Nghi Lộc, Nghệ An) làm luôn tay để kịp giao bánh cho khách hàng ăn Tết.
Tranh thủ đợt nắng hiếm hoi cuối năm, chị Nguyễn Thị Lý (46 tuổi; chủ cơ sở bánh đa Việt Lý, xã Thịnh Trường, Nghi Lộc, Nghệ An) cùng những người thợ lại mang từng mẹt bánh vừa tráng ra giàn phơi cho nhanh khô để kịp giao cho khách. “Thời tiết dự báo ít ngày nữa mưa nên phải tranh thủ làm nhiều, phơi nhanh chứ không mưa xuống thì không làm được nữa”, chị Lý nói.
Làng bánh đa Tây Lân sản xuất quanh năm. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán lượng khách đặt mua nhiều nên các cơ sở cũng tăng cường sản xuất bánh.
Hàng ngày, cơ sở của chị Lý sản xuất ra gần 10.000 chiếc bánh. Riêng dịp Tết, chị Lý phải thuê thêm thợ về làm để kịp giao cho khách.
Bánh đa ở Tây Lân mang hương vị thơm ngon đặc biệt nên khách hàng rất ưa chuộng. Các chủ cơ sở sản xuất bánh cho hay, bánh được sản xuất chủ yếu từ bột gạo và vừng. Tuy nhiên, mỗi cơ sở có một bí quyết riêng để hòa trộn thêm gia vị để tạo vị riêng và độ đậm đà, thơm ngon cho bánh.
“Để bánh ngon thì nguyên liệu phải chuẩn. Gạo làm bánh phải là gạo loại 1. Một năm cơ sở tôi mua hết 600 triệu đồng tiền gạo. Vừng phải là vừng đen loại ngon mới có vị béo, bùi. Khi làm bánh sẽ cho thêm gia vị như: tiêu, tỏi, muối, mì chính… để bánh ngon, thơm, đậm vị”, chị Nguyễn Thị Lý nói.
Bánh sau khi được tráng sẽ cho lên từng tấm giá.
Rồi đưa ra nắng phơi khô.
Tùy theo yêu cầu của khách đặt, bánh sẽ được đóng gói sống hoặc nướng chín.
“Tết nhiều đơn hàng nên bận rộn, làm luôn tay luôn chân không kịp nghỉ”, chị Nguyễn Thị Hân (50 tuổi) nói và cho hay, chị được thuê đến làm bánh với mức thù lao khoảng 250-300 nghìn đồng mỗi ngày.
Những người thợ làm luôn tay, luôn chân để kịp giao cho khách hàng dịp Tết.
Bánh sau khi phơi sẽ được đưa vào máy nướng nhiệt. Những chiếc bánh nóng giòn, thơm ngon sẽ được các cơ sở đóng gói rồi gửi đi cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ngọc Tú