Thọ Xuân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Thọ Xuân được biết đến là vùng đất 'địa linh nhân kiệt', nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Lợi, nơi phát tích của hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc; nơi giao thoa, hội tụ và lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa của người Việt và người Mường. Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, huyện Thọ Xuân đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu, đưa Thọ Xuân trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Trò diễn Xuân Phả được trình diễn tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024.

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong kho tàng văn hóa của huyện Thọ Xuân là hệ thống văn hóa vật thể quy mô, đặc sắc gắn liền với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng tạo nên một bức tranh văn hóa tổng thể độc đáo, đa sắc màu. Nổi bật, đó là Lễ hội đền thờ Lê Hoàn gắn với Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn - một công trình kiến trúc cổ, độc đáo bậc nhất xứ Thanh hiện nay. Di tích nằm trong một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự, tưởng nhớ liên quan đến người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những bậc sinh thành, nuôi dưỡng ông.

Di tích không chỉ nổi bật với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử, tại đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý và đầy đủ về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, gồm văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp. Nổi bật là 2 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII ghi lại thân thế, sự nghiệp nhà vua và ruộng thờ cúng, 14 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn.

Gắn liền với di tích là Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức từ ngày 7 đến 9/3 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, vị vua đã lập ra nhà Tiền Lê. Điểm độc đáo để lễ hội trở thành tiêu biểu là được tổ chức với nhiều nghi lễ truyền thống đặc trưng của văn hóa truyền thống địa phương và tái hiện lại một giai đoạn lịch sử vẻ vang như: lễ Mộc dục, lễ Tiến gỏi cá - nhớ lại khi ở kinh đô, nhà vua đã bắt sứ giả Tàu ăn thịt sống, gỏi cá theo truyền thống văn hóa ẩm thực nước ta từ thời đó; tục Bồi tường - gợi nhớ lại khi còn làm tướng, vua Lê Đại Hành đã chỉ huy quân sĩ khi lập đồn, hạ trại phải đào hào, đắp lũy... Lễ vật dâng vua được người dân chuẩn bị kỹ lưỡng đều là sản vật địa phương như: bánh lá, bánh chưng. Cùng với đó, xung quanh lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như trò đánh mảng, chơi bài điếm, nhảy sạp, trò Xuân Phả, Pồn Pôông... nhằm tái hiện công lao to lớn của nhà vua và các tướng sĩ có công bảo vệ và xây dựng đất nước.

Để phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn và Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cùng các trò chơi, trò diễn đặc trưng của địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân, xã Xuân Lập đã quan tâm đầu tư các hạng mục liên quan đến di tích, truyền dạy và nhân rộng các mô hình văn hóa truyền thống trong cộng đồng; khuyến khích các cá nhân thực hành tốt văn hóa truyền thống tích cực tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương; gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch.

Không chỉ riêng Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn và Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân được nhắc đến với Lễ hội Lam Kinh gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trò diễn Xuân Phả... Theo thống kê của huyện Thọ Xuân, huyện có 256 địa điểm, di tích được kiểm kê; xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng 57 di tích, di sản, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 4 di tích và cụm di tích cấp quốc gia; 49 di tích cấp tỉnh; 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện của địa phương, huyện Thọ Xuân đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-HĐND thông qua Đề án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2022-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Chương trình số 14-CTr/HU về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm đến du lịch huyện Thọ Xuân. Đồng thời, huyện Thọ Xuân đã quán triệt triển khai nội dung nghị quyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân cùng chung tay gìn giữ và phát huy giá trị của di sản. Đồng thời, huyện đã quan tâm, xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch; xúc tiến, kết nối các tuor, tuyến du lịch gắn với các di tích, di sản văn hóa...

Từ năm 2023 đến nay, huyện có 3 di tích được quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị gồm: Đền thờ Di tích Quốc Mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, Lăng mộ vua Lê Dụ Tông, Di tích cách mạng Yên Trường. Đồng thời đang đề nghị cho chủ trương quy hoạch: Phố Cổ phố Đầm, di tích đền thờ Lê Hoàn và các điểm phụ cận; Kinh đô Vạn lại Yên Trường. 4 di tích đã được trùng tu tôn tạo và phê duyệt chủ trương đầu tư; đang đề nghị tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư di tích Điện Càn Long và Bia công đức Trường Lưu (xã Nam Giang); 5 điểm di tích hoàn thiện công trình phụ đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách huyện trong việc bảo tồn, phát huy giá trị đối với các di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi, trò diễn dân gian múa Xuân Phả, Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải khẳng định: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch là một nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và lâu dài. Huyện sẽ đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát huy tính chủ động của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch để quảng bá các di sản độc đáo trên địa bàn huyện”.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tho-xuan-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-218153.htm