Thỏa thuận 550 tỷ USD Mỹ - Nhật liệu có mở đường cho mô hình thương mại mới?
Cam kết từ Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ không chỉ giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một thỏa thuận thương mại ưu đãi, mà còn có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác đang tìm cách thương lượng với Washington, dù các chuyên gia nghi ngờ tính khả thi của dòng vốn khổng lồ này.

Thỏa thuận 550 tỷ USD Mỹ - Nhật liệu có mở đường cho mô hình thương mại mới?
Theo thỏa thuận áp mức thuế 15% với hàng hóa Nhật Bản, Nhà Trắng cho biết hai bên sẽ thành lập một “quỹ đầu tư Nhật - Mỹ”, được triển khai “dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Trump”, nhằm rót vốn vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, bán dẫn, khoáng sản quan trọng, dược phẩm và đóng tàu.
Theo Financial Times, ti liệu của chính phủ Mỹ nêu rõ phía Mỹ sẽ giữ 90% lợi nhuận, trong khi phía Nhật cho rằng việc chia sẻ lợi nhuận sẽ dựa trên “mức độ đóng góp và rủi ro của mỗi bên”.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent khẳng định, chính cơ chế tài chính “đột phá” này là lý do Mỹ đồng ý với mức thuế 15%, thay vì mức 25% mà ông Trump từng đe dọa trước đó.
“Nhật Bản nhận được mức thuế 15% vì họ sẵn sàng cung cấp công cụ tài chính sáng tạo này”, ông nói với Bloomberg TV hôm thứ Tư, khi được hỏi liệu các nước khác có thể đạt được thỏa thuận tương tự hay không.
Các chuyên gia tại Bank of America nhận định thỏa thuận với Nhật là “khuôn mẫu hợp lý” cho các quốc gia xuất khẩu ô tô như Hàn Quốc, những nước có thặng dư tài khoản vãng lai lớn với Mỹ, xuất khẩu mạnh sang Mỹ và thị trường nội địa vẫn hạn chế qua hàng rào phi thuế quan.
Trong khi đó, Mỹ vẫn đang đàm phán với EU và các đối tác thương mại khác trước hạn chót ngày 1/8 - thời điểm kết thúc tạm hoãn áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump.
550 tỷ USD - hiện thực hay chỉ là “giấc mơ khói”?
Tuy nhiên, Phố Wall tỏ ra hoài nghi liệu khoản đầu tư 550 tỷ USD có thực sự được giải ngân. Chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi từ Viện Nghiên cứu Nomura, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ), cho rằng đây chỉ là một mục tiêu định hướng, không phải cam kết ràng buộc.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp Nhật nhìn môi trường kinh doanh tại Mỹ dưới thời ông Trump đang xấu đi vì thuế quan và nhiều yếu tố khác. Thêm vào đó, với tỷ giá hiện nay, chi phí lao động tại Mỹ quá cao, khiến đầu tư mới vào Mỹ kém hấp dẫn. Trái lại, xu hướng đa dạng hóa ra khỏi Mỹ có thể còn mạnh hơn”, ông nhận định.
Brad Setser, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cũng nghi ngờ: “Khả năng cao đây chỉ là "vapor ware" - một sản phẩm quảng bá rầm rộ nhưng không bao giờ thành hình - ngoại trừ các dự án đã biết như LNG Alaska”. Ông cảnh báo rằng sẽ rất bất thường nếu Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào vốn nước ngoài để triển khai chiến lược công nghiệp.
Ông bổ sung: “Có vẻ như "bên trong" thỏa thuận này ít nội dung hơn vẻ bề ngoài”. Các ngành công nghiệp được nêu ra đều là lựa chọn hợp lý từ lâu đối với Nhật, xét đến các lo ngại chuỗi cung ứng hiện tại.
Một nguồn tin am hiểu xác nhận với Fortune rằng nhiều chi tiết trong gói 550 tỷ USD vẫn chưa được thống nhất, bao gồm khung thời gian đầu tư, hội đồng tư vấn và cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích. Tuy nhiên, nguồn tin nhấn mạnh đây là khoản đầu tư từ chính phủ Nhật Bản, không phải chỉ là cam kết mua hàng hóa hay kêu gọi doanh nghiệp tư nhân rót vốn.
Trong kịch bản điển hình, quỹ đầu tư có thể tài trợ xây dựng nhà máy bán dẫn tại Mỹ và cho thuê lại với điều kiện ưu đãi, trong đó 90% doanh thu từ tiền thuê thuộc về chính phủ Mỹ.
Cam kết 550 tỷ USD cũng được đưa ra trong bối cảnh thuế quan của ông Trump đang vướng thách thức pháp lý. Một phiên tòa vào thứ Năm sẽ xem xét liệu Tổng thống có quyền áp đặt thuế diện rộng theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) hay không.
Điều này càng khiến các nước có động lực cam kết “lớn tiếng” trên giấy để được giảm thuế ngay lập tức, rồi trì hoãn triển khai thực tế trong lúc chờ kết quả pháp lý.
Các chuyên gia tại Piper Sandler cho rằng thuế quan của ông Trump là “không hợp pháp” và nhấn mạnh rằng cam kết đầu tư của Nhật Bản đi kèm rất ít chi tiết cụ thể.
“Các đối tác thương mại và tập đoàn đa quốc gia đều biết thuế quan của Trump có cơ sở pháp lý yếu. Vì thế, thật khó tin rằng họ sẽ dốc vốn lớn vào Mỹ chỉ để đối phó với một loại thuế có thể sớm biến mất”, họ viết.