Thời điểm chín muồi để làm đường sắt tốc độ cao
Dự kiến tổng vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là 67,34 tỉ USD, hoàn thành trong năm 2035
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 13-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (gọi tắt là dự án), sau đó Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về nội dung này.
Mỗi năm đầu tư khoảng 5,6 tỉ USD
Tuyến đường sắt này bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP HCM (ga Thủ Thiêm); đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài chính tuyến khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Về tiến độ, dự kiến trình QH phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý IV/2024; hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) vào năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án vào năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, khoảng 12 năm (từ năm 2025-2037), bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD. "Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư" - Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Đánh giá tác động đến các chỉ tiêu an toàn nợ công khi triển khai đầu tư dự án cho thấy đến năm 2030, cả 3 tiêu chí (nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia) thấp hơn mức cho phép; 2 tiêu chí (nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi ngân sách) tăng cao hơn. Sau năm 2030, tiêu chí nợ công thấp hơn mức cho phép; các tiêu chí khác tăng nhưng không nhiều so với kịch bản không đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Nhiều vấn đề cần lường trước
Nhất trí với chủ trương xây dựng dự án, song ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng việc lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/giờ phải rất thận trọng. "Chúng ta tuyên truyền sáng ở Hà Nội, trưa ăn cơm ở Nha Trang và chiều đến TP HCM. Nhưng với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa thì có ảnh hưởng vận tốc không?" - ĐB Xuân góp ý.
ĐB Trần Anh Tuấn (TP HCM) thì lưu ý cần làm rõ thêm tính khả thi về nguồn vốn bởi 67,34 tỉ USD là rất lớn, vượt xa so với các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hiện có. Do đó, cần phân bổ đầu tư phù hợp. "Không chỉ vấn đề đầu tư, phải tính cả sự an toàn cho nền tài chính quốc gia, bội chi, nợ công, khả năng trả nợ hằng năm..." - ĐB Tuấn nêu.
ĐB Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, nhìn nhận hiện là thời điểm chín muồi để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Về vấn đề đội vốn, ông Thường nhấn mạnh ngay cả ở Mỹ, dự án đường sắt cũng đội vốn gấp 2,2 lần so với dự toán ban đầu. "Do đó, việc đưa ra tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD cần có nhiều giải pháp đi kèm" - ĐB Thường nêu quan điểm.
Cơ chế đặc biệt, chuyển giao công nghệ
Ủng hộ việc đầu tư dự án, nhưng từ các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn, các đại biểu lo ngại tình trạng tương tự có thể tái diễn với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. ĐB Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc biệt để làm dự án, trong khi ĐB Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nhấn mạnh điểm cốt lõi để không chậm tiến độ, đội vốn là chuyển giao công nghệ. "Chúng ta cần làm chủ quá trình đầu tư, tránh việc phụ thuộc vào công nghệ từ thời điểm đầu tư cho đến khi vận hành, khai thác" - ĐB Cường nói.
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết trên tuyến sẽ có hai loại tàu với vận tốc khác nhau. Loại tàu thứ nhất chạy tốc độ 350 km/giờ, mỗi chuyến tàu sẽ dừng tại 5 ga. Khi đó, thời gian tàu chạy 5,5 giờ từ Hà Nội đến TP HCM là đã bao gồm thời gian dừng ở các ga. "Nếu dừng lại ở tất cả 23 ga thì không thể đạt được tốc độ 350 km/giờ" - ông Thắng giải thích.
Loại tàu thứ hai chạy tốc độ bình quân 280 km/giờ, sẽ dừng lại ở tất cả 23 ga. Theo thiết kế, toàn tuyến đường sắt tốc độ cao có 85 đoàn tàu và có thể tăng lên. Nhà đầu tư, DN nếu nhận thấy có thể kinh doanh thì mua tàu và thuê đường ray để chạy.
Với tốc độ thiết kế nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ chở khách và sử dụng lưỡng dụng khi cần thiết như phục vụ an ninh quốc phòng. Tuyến đường sắt hiện hành và đường biển, đường bộ đảm đương việc vận chuyển hàng hóa.
Nói về chuyển giao công nghệ, ông Thắng cho biết Bộ GTVT đã chủ động làm việc với một số DN tư nhân lớn trong nước và một số DN thuộc Bộ Quốc phòng. "Công nghệ thi công xây dựng, sản xuất đầu máy toa xe và đặc biệt là bảo trì, sửa chữa, nâng cấp là phải chuyển giao được để ta làm chủ, bởi nếu phụ thuộc đối tác nước ngoài thì rất tốn kém" - Bộ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận.
Ngày 13-11, với đa số ĐB tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Trong đó, QH thống nhất chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Đề xuất bổ sung đường băng cho sân bay Long Thành
Thảo luận ở tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành, các ĐBQH đồng ý với tờ trình của Chính phủ. Theo đó, chuyển đầu tư đường cất hạ cánh (đường băng) số 3 từ giai đoạn 3 sang ngay trong giai đoạn 1; điều chỉnh tiến độ hoàn thành của dự án sẽ là cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng việc điều chỉnh này sẽ mang lại nhiều thuận lợi, hiệu quả vì hiện tại mặt bằng, nhân lực, vật lực có sẵn và vị trí của đường băng số 3 chỉ cách đường băng số 1 một khoảng cách ngắn (400 m).
Tuy nhiên, ĐB Hùng băn khoăn khi thêm đường băng thì khả năng cung ứng dịch vụ của nhà ga T1 vốn được thiết kế chỉ cho một đường băng liệu có quá tải, phức tạp hay không?
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-diem-chin-muoi-de-lam-duong-sat-toc-do-cao-196241113211820651.htm