Thời gian miễn thuế thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm 3 năm là quá ngắn
Các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kéo dài thời gian miễn thuế cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên hơn mức 3 năm hiện nay...

Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) quy định hơn 14 loại thu nhập được miễn thuế; trong đó có quy định: thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm.
NGHIÊN CỨU KÉO DÀI THỜI GIAN MIỄN THUẾ
Thảo luận vấn đề này tại hội trường ngày 12/5, đại biểu Đào Chí Nghĩa, đoàn Tp.Cần Thơ cho rằng “thời gian miễn thuế tối đa 3 năm là rất ngắn, sẽ không đủ để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ cao vận hành từ hoạt động nghiên cứu phát triển. Các dự án nghiên cứu phát triển thường sẽ mất thời gian từ 5- 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa”.
Dự thảo luật cũng chưa nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là sản phẩm công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam hoặc sản phẩm sản xuất thử nghiệm. “Điều này có thể dẫn đến việc vận dụng tùy tiện hoặc lợi dụng chính sách miễn thuế”, đại biểu nói.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, đoàn TP. Cần Thơ nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp này cơ bản không đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu minh chứng cho hoạt động nghiên cứu phát triển và làm giảm tính tiếp cận của chính sách.
Do đó, đại biểu đoàn Cần Thơ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu việc kéo dài thời gian miễn thuế hơn cho các dự án nghiên cứu phát triển thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, cần ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá quy trình xác nhận để bảo đảm tính minh bạch và dễ áp dụng.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn Tp. Đà Nẵng nhấn mạnh tại khoản 4 Điều 4 về thu nhập miễn thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ là một bước tiến tích cực trong khuyến khích hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn TP. Đà Nẵng.
Thực tế nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cần từ 5- 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất vào dự thảo thu nhập tài khoản này được miễn thuế tối đa không quá 5 năm. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế kịp thời chủ trương về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Theo đó, “mở rộng đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ chuyển nhượng, phần góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các dự án tự nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp”, đại biểu đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhận thấy dự thảo luật chưa có các ưu đãi đặc thù dành riêng cho doanh nghiệp công nghiệp xanh và bền vững.
Tại khoản 10 Điều 4 quy định miễn thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập từ tiền lãi trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành.
Tuy nhiên, theo đại biểu Minh, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động công nghiệp xanh, các lĩnh vực quan trọng như là năng lượng tái tạo, quản lý chất thải sản xuất bền vững chưa hề được đề cập đến.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 4 là các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, sản xuất bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
BỔ SUNG CHÍNH SÁCH MIỄN GIẢM THUẾ, THỂ CHẾ HÓA KỊP THỜI TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 68 TRONG LUẬT
Tại Khoản 1 Điều 9 của dự thảo luật quy định: các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm các chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, quy định này chưa rõ một số loại chi phí đặc thù mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập thường phải đối mặt trong giai đoạn đầu như là chi phí nghiên cứu thị trường, chi phí xây dựng thương hiệu, chi phí đào tạo nhân sự…
Từ thực tế này, đại biểu Minh kiến nghị bổ sung các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động nghiên cứu thị trường xây dựng thương hiệu và đào tạo nhân sự của doanh nghiệp mới thành lập được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Điều này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cần phải sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có nêu "doanh nghiệp được phép khấu trừ 200% chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển bao gồm cả chi phí thử nghiệm và triển khai công nghệ mới khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp''.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình.
Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận và cho ý kiến nhiều dự án, trong đó có dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và các chính sách ưu đãi về thuế ở tản mát ở nhiều luật khác nhau, đại biểu đề nghị nên đưa các nội dung này vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này để đồng bộ, nhất quán, không bị trùng lặp và đảm bảo nguyên tắc một nội dung chỉ quy định ở một luật.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình nhấn mạnh bối cảnh hoàn thiện dự án luật này có sự thay đổi, đặc biệt khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có một số biện pháp hỗ trợ ưu đãi về thuế. Với tinh thần quyết liệt và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 68, ông Hiếu kiến nghị nghiên cứu và bổ sung ngay trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này một số nhóm quy định.
Theo đại biểu, như Nghị quyết 68 có ít nhất 3 chính sách miễn, giảm thuế cần bổ sung vào trong luật này gồm: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 năm đầu thành lập; có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ khoản thu nhập việc chuyển nhượng cổ phần vốn góp tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó là một số chi phí được trừ có liên quan đến trong dự thảo luật, như chi phí về đào tạo, đào tạo lại nhân lực…

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP. Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận.
Góp ý nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp.Hà Nội nêu rõ: Nghị quyết 68 có quy định doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập trước tính thuế để đưa vào quỹ phát triển về khoa học công nghệ, nhưng trong dự thảo luật (Điều 17) đang quy định chỉ 10% nên cần phải chỉnh lại.
Bên cạnh đó, “Nghị quyết 68, quy định doanh nghiệp có chi phí cho hoạt động về nghiên cứu phát triển thì được trừ 200% chi phí đó nhưng trong quy định hiện nay thì phần chi phí không đề cập tới vấn đề này nên cần điều chỉnh. Hoặc những chính sách về các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng chưa có đề cập đến”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu.
Đại biểu nhấn mạnh cần sớm đưa các quy định vào thực tế để thúc đẩy những nghị quyết, đặc biệt như Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hoặc Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mối đe dọa về tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi thuế của Mỹ, nên cần phải thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải sớm đưa những quy định mới vào thực tiễn, phát huy tác dụng để thúc đẩy khoa học công nghệ như Nghị quyết 57 cũng như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Đại biểu kiến nghị hiệu lực thi hành của quy định luật nên sớm hơn, bắt đầu từ ngày 1/10/2025, không chờ đến ngày 1/1/2026.