Thôn Phú Bình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Sau hơn 1 năm triển khai phong trào thi đua xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, đến nay thôn Phú Bình xã Yên Cường (Ý Yên) đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, tạo nên cảnh quan sạch đẹp, thanh bình, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sau hơn 1 năm triển khai phong trào thi đua xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, đến nay thôn Phú Bình xã Yên Cường (Ý Yên) đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, tạo nên cảnh quan sạch đẹp, thanh bình, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Tiếp chúng tôi tại nhà văn hóa thôn, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Vệ cho biết: Về điều kiện tự nhiên, Phú Bình cũng không hơn gì các thôn khác trong xã Yên Cường khi đời sống của 360 người dân nơi đây chủ yếu trông vào nông nghiệp hoặc đi làm ăn xa. Mặc dù còn khó khăn nhưng người dân nơi đây luôn đoàn kết, đồng thuận trong các công việc chung. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, thôn chú trọng phát triển kinh tế đa ngành nghề, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại năng suất, sản lượng cao. Thôn cũng vận động nhân dân quy hoạch hơn 20ha đất nông nghiệp để sản xuất tập trung, trong đó dành gần 15 nghìn m2 cho HTX nông nghiệp Nam Cường sản xuất các loại rau sạch gồm mồng tơi, dền, cải bắp, cải thìa, cải ngọt... Khu sản xuất rau sạch được đầu tư trang thiết bị hiện đại thu hút hơn 20 lao động của thôn làm việc với mức thu nhập ổn định. Thấy sản xuất rau sạch không mất nhiều chi phí, phù hợp với điều kiện canh tác của quê hương, một số hộ dân trong thôn như ông Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Vững, Nguyễn Đức Khuê, Nguyễn Văn Thông… đã đứng ra mượn đất của bà con, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc các loại dưa chuột, ngô bao tử, rau các loại… Từ trồng rau sạch, mỗi hộ nơi đây có thu nhập trung bình 70-90 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Với sự góp sức của người dân thôn Phú Bình, thương hiệu rau sạch của HTX nông nghiệp Nam Cường đã dần có chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng các tỉnh, thành phố lớn trong nước ưa chuộng. Bên cạnh trồng rau sạch, thôn cũng đẩy mạnh trồng lạc xuân với diện tích 9ha, năng suất bình quân đạt 170-200 kg/sào, giá trị thu nhập cao hơn từ 3-4 lần so với trồng lúa. Diện tích trồng lúa của thôn vẫn được đảm bảo với khoảng 9ha, người dân trồng nhiều giống lúa có chất lượng cao với năng suất trung bình đạt 180-200 kg/sào. Ngoài sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề dịch vụ, sản xuất nhỏ cũng được người dân nơi đây quan tâm mở rộng. Toàn thôn có khoảng 70 lao động đi làm công nhân tại các công ty trong huyện, làm lao động tự do… Với đa dạng các hoạt động phát triển kinh tế, đến nay thu nhập người dân trong thôn đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Số hộ khá giả ngày càng tăng, nhiều gia đình có cuộc sống ấm no, chăm lo con cái học hành… Toàn thôn không có hộ nghèo, chỉ còn 7 hộ cận nghèo.
Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện đóng góp để xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh. Trên tuyến đường dài 600m của thôn và 7 dong ngõ đều được trải bê tông rộng 3-4m để nhân dân đi lại thuận tiện. Tuyến đường dẫn tới nhà văn hóa, các đoàn thể và nhân dân xây dựng đường hoa với đa dạng các loại cây quanh năm khoe sắc. Song song với bê tông hóa đường dong ngõ xóm, thôn cũng đã kiên cố hơn 300m rãnh thoát nước thải của khu dân cư; bê tông 1.300m đường ra đồng với tổng trị giá đầu tư trên 400 triệu đồng. Nhà văn hóa xóm được sửa sang lại sạch đẹp, tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị hội họp. Khu vực sân thể thao xóm gồm sân bóng đá, sân cầu lông thu hút đông đảo người dân tập luyện mỗi ngày. Từ năm 2019 đến nay, người dân trong thôn đã đóng góp trên 100 triệu đồng cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng 47 cột đèn điện chiếu sáng và 2 cổng chào trên đoạn đường dài 450m trong thôn, tạo điểm “nhấn” đối với vùng quê NTM. Nhiều năm liền thôn đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu, hàng năm có trên 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95%, thuộc đơn vị cao của huyện.
Để Phú Bình có sự đổi thay mạnh mẽ như hôm nay, lãnh đạo thôn cho rằng vì có sự đồng thuận rất lớn của chi bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Trong đó, với mỗi việc làm, chủ trương mới, chi bộ Đảng đều đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ, sau đó thống nhất ra nghị quyết lãnh đạo các đoàn thể, nhân dân thực hiện. Đặc biệt, chi bộ đã phát huy được vai trò của từng đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, tích cực phối hợp với các đoàn thể, khu dân cư để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua. Tiêu biểu như Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Vệ đảm nhận vai trò lãnh đạo chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn từ năm 1991. Gần 30 năm với vai trò “vác tù và hàng tổng”, ông được bà con yêu quý vì hết lòng với công việc chung. Tấm lòng nhiệt tình của ông đã lôi kéo, động viên được nhiều đảng viên, nhân dân tích cực làm theo. Trong nhiều năm qua, các đảng viên trong chi bộ đã “học và làm theo Bác” bằng những việc làm giản dị, luôn ý thức gương mẫu đi đầu trong các công việc chung, hiến đất canh tác và đất thổ cư để hoàn thiện các tuyến đường nội đồng, đường thôn xóm. Vừa qua, thôn cũng có hơn 20 hộ dân hiến gần 2.000m2 để góp phần xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong đó các đảng viên Nguyễn Xuân Trường, Đinh Văn Thuấn, Nguyễn Hồng Thế đi đầu hiến đất và vận động nhân dân thực hiện theo. Trong phát triển kinh tế, nhiều cán bộ, đảng viên hăng hái đi đầu như phó trưởng thôn Nguyễn Văn Thông chịu khó học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, mượn đất các của gia đình khác trong thôn để sản xuất rau sạch, chăn nuôi bò. Các ông Nguyễn Thành Biên chi hội trưởng cựu chiến binh, bà Đỗ Thị Tuyết chi hội trưởng phụ nữ, anh Nguyễn Văn Tam bí thư Đoàn Thanh niên… đã tích cực lãnh đạo các hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào thi đua, góp phần xây dựng thôn trở thành “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của huyện Ý Yên./.
Bài và ảnh: Đức Thiện