Thông qua dự thảo Nghị quyết bổ sung chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Với 93,21% đại biểu Quốc hội 'nhấn nút' tán thành, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã chính thức được thông qua.

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bằng hình thức biểu quyết điện tử. (Ảnh: Quốc hội)

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bằng hình thức biểu quyết điện tử. (Ảnh: Quốc hội)

Sáng nay, 26/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 453 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 93,21%).

Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công cho Nghệ An

Trước khi dự thảo Nghị quyết được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cho biết, ngày 31/5/2024 và 07/06/2024, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 890/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Theo đó, về tên gọi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết thành: “Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.”

Về chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương (khoản 2 Điều 3), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định tại Dự thảo Nghị quyết theo hướng mở rộng phạm vi địa bàn của tỉnh Nghệ An được nhận hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác. Do đó, khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết được sửa lại thành: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể. Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thì việc phân bổ cho các địa bàn cụ thể do Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định, trong đó, ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.”

 Du khách check in "Chinh phục đỉnh Puxailaileng" ở Kỳ Sơn, Nghệ An có độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển, nơi có khí hậu đặc trưng và cánh rừng nguyên sinh độc đáo. (Ảnh: TTXVN phát)

Du khách check in "Chinh phục đỉnh Puxailaileng" ở Kỳ Sơn, Nghệ An có độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển, nơi có khí hậu đặc trưng và cánh rừng nguyên sinh độc đáo. (Ảnh: TTXVN phát)

Đối với chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai khoáng… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 Điều 3).

Có ý kiến đề nghị quy định không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản được áp dụng đầu tư trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin: Miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn và cũng là địa bàn quan trọng của tỉnh, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh; trong khi đó, đầu tư về cơ sở hạ tầng cho khu vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, rất cần tập trung hỗ trợ thêm nguồn lực từ ngân sách Trung ương. Do vậy, việc đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm này là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung nguồn lực cho địa bàn thực sự khó khăn, quy định thể hiện như tại Dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Về chính sách phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An (khoản 4 Điều 3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Nghệ An hiện là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đang nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Việc cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương sẽ bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án.

Chính sách này tương tự như chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% so với định mức chi thường xuyên được áp dụng từ năm 2022. Vì vậy, chính sách hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư công cho Nghệ An là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm chủ động, khả thi, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của địa phương, khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết quy định giao HĐND quyết định danh mục đầu tư từ nguồn tăng thêm này.

 Các đại biểu ấn nút biểu quyết điện tử. (Ảnh: Quốc hội)

Các đại biểu ấn nút biểu quyết điện tử. (Ảnh: Quốc hội)

Địa phương được quyết định diện tích đất thu hồi dự án

Tiếp thu ý kiến đại biểu về quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An là phù hợp với đặc thù, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Đây là lĩnh vực và địa bàn không hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư theo hình thức PPP (hình thức hợp tác công - tư).

Do đó, các dự án PPP trên địa bàn tỉnh cần có chính sách cho phép nâng tỉ lệ tham gia vốn của Nhà nước tới 70% tổng mức đầu tư dự án đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An nhằm tăng tính hấp dẫn và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân, tạo sự linh hoạt, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án PPP trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định tại Dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, về cơ chế chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị (Khoản 1 Điều 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại nội dung này tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo Nghị quyết, để phù hợp với quy định của Luật Đất đai: “Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi dự án vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch…”

Về sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (khoản 2 Điều 5), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào khoản 2 Điều 5 về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An như sau: “Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích, hiệu quả.”

Về điều khoản thi hành (Điều 8), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Nghị quyết thời hạn áp dụng là 05 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung thời gian hiệu lực của Dự thảo Nghị quyết là 05 năm tương tự các Nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành và đã thể hiện lại tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Nghị quyết./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thong-qua-du-thao-nghi-quyet-bo-sung-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-tinh-nghe-an-post961133.vnp