Thông qua Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

Sáng 30/11, tại Kỳ họp thứ 8, với 461/463 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,24%), Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là Luật được đánh giá là một dấu ấn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XV về công tác cải cách tư pháp.

 Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật

Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật

Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 gồm 10 chương và 179 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 2026.

Luật Tư pháp người chưa thành niên được đánh giá có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Kỳ họp này là một dấu ấn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XV về công tác cải cách tư pháp.

Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đồng thời, Luật cũng quy định việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, giải quyết vụ án hình sự, xử lý chuyển hướng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Luật này và theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, luật khác không trái với quy định của Luật này.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội

Quang cảnh phiên họp Quốc hội

Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải bảo đảm đơn giản, thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên. Đồng thời bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên. Quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên về giới tính, của người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số, đối tượng dễ bị tổn thương.

Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội như: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới, Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng...

HH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thong-qua-luat-quy-dinh-12-bien-phap-xu-ly-chuyen-huong-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-20241130093814396.htm