Thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa thông qua Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Nghị quyết thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, đồng thời mở rộng không gian phát triển, tối ưu hóa tiềm năng và lợi thế của các địa phương. Với các quy định chi tiết, lộ trình rõ ràng và sự nhấn mạnh vào đồng thuận xã hội, văn bản này đánh dấu bước ngoặt trong việc xây dựng hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả, gần dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trong giai đoạn mới.

Giảm mạnh số lượng đơn vị hành chính, nâng quy mô và hiệu quả quản lý

Nghị quyết quy định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và cấp xã (xã, phường, thị trấn) trong năm 2025, nhằm thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về tinh gọn tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương hai cấp.

Ở cấp tỉnh, việc sáp nhập tỉnh với tỉnh hoặc tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương sẽ hình thành các đơn vị hành chính mới, giảm số lượng tỉnh, mở rộng không gian phát triển và phát huy tối đa tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Ở cấp xã, cả nước đặt mục tiêu giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính so với hiện nay thông qua các hình thức thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới. Đơn vị hành chính mới sau sắp xếp sẽ là phường nếu sáp nhập phường với đơn vị cùng cấp, hoặc xã nếu sáp nhập xã với thị trấn, nhằm xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu quả.

Đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15.

Nếu định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị mới cần cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn tương ứng. Đối với cấp xã, tiêu chuẩn được điều chỉnh linh hoạt theo đặc điểm địa lý và dân cư: xã miền núi, vùng cao cần diện tích tự nhiên từ 200% và dân số từ 100% tiêu chuẩn quy định; các xã khác (trừ xã hải đảo) đạt dân số từ 200% và diện tích từ 100%; phường đạt diện tích từ 5,5 km² và dân số tối thiểu 45.000 người (thuộc thành phố trực thuộc trung ương), 15.000 người (miền núi, vùng cao, biên giới) hoặc 21.000 người (các phường còn lại). Xã hải đảo được sắp xếp theo định hướng đặc thù, bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh. Trường hợp sáp nhập từ ba đơn vị cấp xã trở lên, các tiêu chuẩn trên không bắt buộc áp dụng. Nếu không đạt tiêu chuẩn và không thuộc trường hợp đặc biệt, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.

Nguồn số liệu về diện tích tự nhiên dựa trên thống kê đất đai được cấp có thẩm quyền công bố, còn quy mô dân số bao gồm dân số thường trú và tạm trú, do cơ quan Công an xác nhận, tính đến ngày 31/12/2024.

Nguyên tắc và quy trình

Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện dựa trên các nguyên tắc chặt chẽ, bảo đảm tính hợp pháp, khoa học và đồng thuận. Quốc hội nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng và vai trò chỉ đạo của người đứng đầu trong việc triển khai Nghị quyết. Việc sắp xếp phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các định hướng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được coi là phù hợp với quy hoạch liên quan.

Các đơn vị hành chính có diện tích hoặc quy mô dân số chưa đạt tiêu chuẩn, có yếu tố lịch sử, văn hóa tương đồng, vị trí địa lý liền kề, tiềm năng kinh tế và trình độ phát triển phù hợp sẽ được ưu tiên sắp xếp. Phương án sắp xếp cần xem xét điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, phân bổ không gian kinh tế để phát huy lợi thế phát triển, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính mới.

Quốc hội yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới, đồng thời giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc và khối đoàn kết cộng đồng dân cư. Các đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia không bắt buộc sắp xếp.

Việc sắp xếp gắn với tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và ứng dụng chuyển đổi số.

Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Nhân dân. Khi sắp xếp cấp xã dẫn đến thay đổi địa giới cấp huyện, không cần thực hiện thủ tục điều chỉnh địa giới cấp huyện.

Đáng chú ý, các đơn vị hành chính mới không phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu kinh tế - xã hội, số đơn vị trực thuộc, loại đô thị hoặc trình độ phát triển hạ tầng đô thị.

Quy trình xây dựng đề án được quy định minh bạch. Đối với cấp tỉnh, Chính phủ phân công một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các tỉnh liên quan để xây dựng đề án, bao gồm tờ trình, đề án theo mẫu, báo cáo ý kiến Nhân dân, ý kiến Hội đồng nhân dân, bản đồ hiện trạng và phương án sắp xếp. Sau khi lấy ý kiến Nhân dân, đề án được Hội đồng nhân dân các cấp biểu quyết, Bộ Nội vụ thẩm định, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Đối với cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án, lấy ý kiến Nhân dân, trình Hội đồng nhân dân biểu quyết. Bộ Nội vụ thẩm định, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Tên đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp dựa trên tên của một đơn vị trước đó, phù hợp định hướng phê duyệt. Tên cấp xã phải dễ đọc, ngắn gọn, khoa học, phù hợp truyền thống lịch sử, văn hóa, được Nhân dân ủng hộ, khuyến khích dùng số thứ tự hoặc tên cấp huyện kèm số thứ tự để thuận lợi cho số hóa.

Kiện toàn bộ máy, hỗ trợ cán bộ và Nhân dân, đảm bảo ổn định

Sắp xếp đơn vị hành chính đi đôi với kiện toàn bộ máy, đồng bộ với tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khóa Hội đồng nhân dân được giữ nguyên nếu đơn vị mới giữ tên cũ, hoặc tính lại từ khóa I nếu đổi tên hoặc loại đơn vị hành chính. Chính quyền cấp xã hoàn thành kiện toàn trước ngày 15/8/2025, cấp tỉnh trước ngày 15/9/2025. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tổ chức thống nhất, cơ quan đặc thù do địa phương quyết định. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được nhập nguyên trạng.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp không vượt tổng số trước sắp xếp; số lượng cấp phó có thể vượt quy định trong 5 năm đầu, sau đó điều chỉnh. Chế độ lương, phụ cấp được giữ nguyên trong 6 tháng sau sắp xếp, sau đó áp dụng theo quy định mới. Các chính sách đặc thù theo vùng, khu vực được giữ nguyên đến khi có quyết định mới. Tài sản công, trụ sở được xử lý tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng. Địa phương cải tạo, nâng cấp trụ sở, bố trí nhà ở công vụ, phương tiện cho cán bộ. Chuyển đổi giấy tờ, con dấu thực hiện theo Nghị quyết số 190/2025/QH15 và hướng dẫn của Chính phủ.

Ngân sách địa phương chi trả kinh phí sắp xếp, sử dụng nguồn ngân sách thường xuyên. Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần với mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị cấp xã giảm. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Tòa án, Viện kiểm sát và Mặt trận Tổ quốc phối hợp tuyên truyền, giám sát, giải quyết vấn đề phát sinh.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/4/2025, bãi bỏ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15, khẳng định bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, hướng tới phát triển bền vững.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thong-qua-nghi-quyet-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-nam-2025-162810.html