Thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp, chuyên gia lên tiếng

Việc hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu cung ứng gạo cho Indonesia với giá thấp hơn nhiều so với các nước cùng tham gia, sau đó bỏ thầu đã gây ra nhiều ý kiến trong nội bộ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

 Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: Mai Trang

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: Mai Trang

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Cụ thể, mức giá chào thầu thấp nhất của Việt Nam là 564,5 USD/tấn, trong khi doanh nghiệp Thái Lan chào giá thầu cao nhất tới 658,5 USD/tấn; còn giá chào thầu của các công ty Myanmar và Pakistan là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn...

Việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu cung ứng gạo cho Indonesia với giá thấp hơn nhiều so với các nước khác đã gây ra nhiều ý kiến trong nội bộ chính doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhiều đơn vị lo lắng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ép giá.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Hoàng Trọng Thủy, Chuyên gia nông nghiệp, nói: “Tôi hơi ngạc nhiên bởi trong số doanh nghiệp trúng thầu này có mặt của một Tập đoàn lớn, làm ăn cũng khá căn cơ. Tuy nhiên, họ lại bỏ thầu giá gạo thấp - đó là một sự việc “lạ” và hiếm có khi giao thương. Vậy cần phải xem xét đấy là loại gạo gì? Nếu là loại gạo dẻo, gạo thơm (gạo cao cấp) thì việc này là bất ngờ và làm cho người nông dân cực kỳ lo lắng. Bởi việc xuất khẩu gạo phẩm cấp cao chắc chắn sẽ tăng lên cả về lượng và giá. Vì thông tin từ Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Còn nếu là gạo thường, gạo phẩm cấp thấp thì điều đó có lo ngại, nhưng cũng dễ vượt qua.

Mặt khác, cũng cần xem thêm, đây có phải là chiến lược kinh doanh của Tập đoàn này không? Rất có thể, họ muốn đi trước để chiếm thị trường này. Việc doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp dẫn đến 2 tình huống: nếu nhu cầu mua gạo trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp bỏ giá thấp sẽ thua lỗ do giá lúa trong nước tăng cao. Ngược lại, nhu cầu mua thấp hoặc nguồn cung tăng nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng để giao.

Việc bỏ thầu giá thấp hay cao là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá thấp sẽ tác động đến công việc quản trị của cơ quan quản lý, nhà xuất khẩu và người nông dân. Bởi rất có thể nhiều nhà mua, lấy đây làm căn cứ để hạ giá gạo của Việt Nam xuống thấp hơn, gây bất lợi cho người trồng lúa. Và rất có thể gây ra những tổn thương đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam”.

Tuy nhiên, đứng từ khía cạnh khác, với những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, cần suy xét kỹ càng để tránh ảnh hưởng tới thị trường và vi phạm các quy định về Luật cạnh tranh. “Giải pháp giá sàn giúp xử lý linh hoạt vấn đề khi thị trường rất nóng và biên độ chênh lệch giá mua và bán quá lớn, nhiều đơn vị cùng cạnh tranh nhau, gây ảnh hưởng đến hình ảnh hạt gạo hoặc chiến lược phát triển hạt gạo Việt Nam, khi đó, chúng ta sử dụng giá sàn như là công cụ có tính chất điều tiết.

Nếu lập giá sàn như một quy định bắt buộc, tôi cho rằng, ưu điểm là sự minh bạch thông tin giữa người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và cả người thu mua. Việc này sẽ đảm bảo mặt bằng giá có lợi cho người sản xuất, thương lái và xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập ra giá sàn trong bối cảnh thị trường không cần thiết đến mức như vậy (thị trường nóng mang tính chất thời điểm) thì tôi cho rằng không cần thiết.

Chúng ta cần phải lấy các quy định của pháp luật để xem doanh nghiệp có vi phạm về trợ cấp, trợ giá hay không? Nếu doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin và kinh doanh có lãi thì liệu có thể là làm rối thêm câu chuyện trong nội bộ ngành.

Nên vậy, vẫn phải xem xét cụ thể gạo đang bỏ thầu thấp là gạo gì, gạo cấp thấp hay gạo cấp cao? Nếu là gạo cấp cao, thì sự cần thiết phải rà soát cho kỹ về động cơ?

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt khoảng gần 4 triệu tấn, thu về 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%). Ước tính cả năm, xuất khẩu gạo sẽ đạt được khoảng 8 triệu tấn. Tuy nhiên, bà con trồng lúa thấy bỏ thầu giá thấp là không an tâm, các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc làm đó không vì lợi ích chung, dẫn đến sự đoàn kết, chung lưng đấu cật của doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo bị lung lay”, ông Thủy nói.

Ngay sau thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp, Bộ Công Thương đã yêu cầu xác minh thông tin. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

“Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xác minh thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp", văn bản của Bộ Công Thương yêu cầu.

Trong cuộc họp với Bộ Công Thương về giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản ngày 28/5 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp.

“Cần phải nhấn mạnh việc chúng ta xuất khẩu gạo Việt Nam, nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo của một doanh nghiệp nào đó. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được” - ông Hoan nói.

Liên quan đến việc xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng đề nghị VFA tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại. VFA cũng phải tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan nếu có. Việc báo cáo phải thực hiện trước ngày 31/5.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thong-tin-doanh-nghiep-xuat-khau-gao-bo-thau-gia-thap-chuyen-gia-len-tieng.html