Thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra định hướng tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn 2023 - 2024 và đổi mới kỳ thi vào năm 2025.
Tổ chức thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra từ ngày 7 - 8/9.
Theo đó, Bộ GD&ĐT định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ổn định như năm 2022 và sớm hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Kỳ thi vẫn sẽ diễn ra trên nguyên tắc phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thành công toàn diện, đạt được các mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, phù hợp thực tế công tác giáo dục phổ thông trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất sâu sắc của dịch bệnh.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT và hội nghị thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối cùng.
Đồng thời, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành Quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.
Đối với những thay đổi của kỳ thi từ năm 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề cập đến 2 phương diện cần đẩy mạnh hơn nữa, đó là tính phân cấp, trách nhiệm trong chủ động tuyển sinh của trường đại học và ứng dụng công nghệ.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2022 trên cả nước là 98,57%, riêng đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,16%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay tương đương năm 2020 và 2021. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99% như Sơn La (99,6%), Ninh Bình (99,49%), Đồng Tháp (99,38%), Điện Biên (99,24%). Tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội đạt 99,1%, trong đó có 104 đơn vị, trường học đạt 100%.