ThS.BS Phan Thị Hải: Giá thuốc lá ở Việt Nam quá thấp, ai cũng có thể tiếp cận
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giá 1 bao thuốc lá ở Việt Nam đứng gần thấp nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Điều này khiến người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em hay trẻ vị thành niên đều rất dễ tiếp cận với thuốc lá. PV Báo PNVN có cuộc trao đổi với ThS.BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - xung quanh vấn đề này.

ThS.BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá
- Xin bác sĩ cho biết những hậu quả của tiêu dùng thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường?
ThS.BS Phan Thị Hải: Về tác động đối với sức khỏe cộng đồng, sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.
Tại Việt Nam, theo số liệu cập nhật đến năm 2021 của WHO, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm. Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Việc sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động
Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
- Vậy, thực trạng thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay thế nào?
ThS.BS Phan Thị Hải: Từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần chỉ từ 5% đến 10% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng). Cụ thể năm 2008, tăng mức thuế từ 55% lên 65%. Sau 8 năm đến năm 2016 tăng từ 65% lên 70%. 3 năm sau tăng từ 70% lên 75%. Trong khi lạm phát trung bình là 4% và thu nhập tăng trung bình là 5%. Vì vậy việc tăng thuế có tác động, nhưng rất ít tới tiêu dùng trong các năm đó.
Từ năm 2019 đến nay (Theo Luật thuế TTĐB) Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm khoảng 36%, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59%, chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78.6%, Singapore 67.5%, Indonesia 63.5%). Trong khi đó, mức thuế trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO là 70% - 75% trên giá bán lẻ.
Theo báo cáo của WHO, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

WHO ước tính, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá khoảng 4%-5%
Hiện trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, thuế thuốc lá cần chiếm 70-75% trên giá bán lẻ.
- Để cải cách thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam, theo bác sĩ, cần triển khai những biện pháp gì?
ThS.BS Phan Thị Hải: Trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) xác định, các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.
WHO ước tính, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá khoảng 4%-5%. Đặc biệt, có thể giảm tới 10% hoặc hơn tỷ lệ hút thuốc ở trẻ em và người nghèo.
Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nhấn mạnh: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng. Đồng thời, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; Kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, Luật Đầu tư cũng quy định: Kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Không chỉ vậy, tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá nêu rõ: thuốc lá thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh.
Ngày 24/5/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ: "Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO".
Do đó, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn; Tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Cụ thể về mức thuế, cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Phương án khuyến nghị cụ thể như bảng dưới đây:

Áp dụng theo lộ trình này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành. Cụ thể theo mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới có thể giảm xuống dưới 36%, còn ở nữ giới sẽ dưới mức 1%.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!