Thu hàng nghìn tỷ nhờ bán bảo hiểm ôtô, xe máy

Với nguồn thu từ bảo hiểm xe máy và ôtô, nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ thu về vài nghìn tỷ doanh thu trong 9 tháng đầu năm.

 Bảo hiểm xe máy được chia làm 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Ảnh: V.H.

Bảo hiểm xe máy được chia làm 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Ảnh: V.H.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã cổ phiếu PGI) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III đạt 626 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng chi bồi thường bảo hiểm là 250 tỷ đồng.

Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 516 tỷ đồng, tăng 17%, chi phí hoạt động tài chính cũng tăng lên 5,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu phí bảo hiểm là 798 tỷ đồng, phí bảo hiểm gốc là 802 tỷ đồng.

Trong doanh thu phí bảo hiểm, nguồn thu đến từ bảo hiểm xe cơ giới chiếm phần quan trọng. Cụ thể, loại hình bảo hiểm này mang về cho PJICO 1.046 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 39% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong quý III chỉ đạt 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 17,8 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, PJICO ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.218 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 6% lên 1.718 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ, lợi nhuận trước thuế đạt 201 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 162 tỷ đồng.

Năm 2022, PJICO lên kế hoạch tổng doanh thu là 4.316,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 250 tỷ đồng. Như vậy, hết quý III doanh nghiệp đã hoàn thành 51,4% kế hoạch doanh thu và 80,4% kế hoạch lợi nhuận.

Ngoài PJICO, hiện nay, trên thị trường có nhiều công ty bảo hiểm cung cấp bảo hiểm xe cơ giới cho người dân như: Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI)...

Trong báo cáo tài chính vừa công bố của các doanh nghiệp trên đều cho thấy bảo hiểm xe cơ giới đang đóng góp một phần lớn trong tổng doanh thu các công ty bảo hiểm này.

Loại hình bảo hiểm xe cơ giới đưa về cho Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) 613 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Tổng công ty Bảo hiểm hàng không (AIC) cũng thu về 1.269 tỷ đồng phí bảo hiểm xe cơ giới, chiếm đến 62% tổng doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, AIC cũng đã chi 546 tỷ đồng bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới.

Đối với Bảo hiểm Quân đội (MIG), 9 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt 1.229 tỷ đồng, và góp 34% vào tổng doanh thu phí bảo hiểm MIG trong kỳ. Phía MIG cũng đã chi 635 tỷ đồng chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.

Bởi theo cơ quan này, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-hang-nghin-ty-nho-ban-bao-hiem-oto-xe-may-post1373457.html