Thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp - Bài 1: Chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước và của tỉnh, số lượng các dự án (DA) đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) đã tăng lên đáng kể và đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Nhiều DA đi vào hoạt động đã có tác động tích cực đối với phát triển KT-XH của địa phương, đóng góp cho ngân sách tỉnh và tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg, ngày 12/4/2023, tỉnh có 2 KKT đã được thành lập và đã phê duyệt quy hoạch chung, gồm: KKT Hòn La và KKT cửa khẩu Cha Lo. Quy hoạch phát triển 10 KCN, trong đó có 4 KCN đã có quyết định thành lập, 1 KCN (KCN Cam Liên) đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đầu tư hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính

Bằng các nguồn lực của Trung ương và địa phương, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại các KKT, KCN; đồng thời, chú trọng công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nhờ vậy, tỷ lệ lấp đầy trong các KKT, KCN có sự chuyển biến qua các năm, với nhiều DA của NĐT đã và đang được triển khai.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) KKT tỉnh, công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách phục vụ đầu tư các công trình, DA phát triển hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN tỉnh được sử dụng đúng mục tiêu, kế hoạch đã kịp thời phát huy hiệu quả, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN và khu chức năng trong KKT. Công tác quản lý đất đai, môi trường được BQL KKT tỉnh triển khai đồng bộ và hiệu quả. Công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường KCN, KKT được duy trì thường xuyên, liên tục để bảo đảm hoạt động cho các doanh nghiệp (DN) và đáp ứng nhu cầu của NĐT trong quá trình triển khai thực hiện DA.

Sản phẩm của Nhà máy ván ép Thăng Long sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng của địa phương.

Sản phẩm của Nhà máy ván ép Thăng Long sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng của địa phương.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được quan tâm. BQL KKT tỉnh đã kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, không ngừng cải tiến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO phù hợp với bộ thủ tục hành chính hiện hành; tiến hành rà soát các thủ tục hành chính còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng BQL KKT tỉnh cho biết: Để có được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KKT, KCN, tạo điều kiện thu hút đầu tư, khai thác tốt thế mạnh của địa phương để phát triển KT-XH. Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng; một số DA đầu tư mới trong các KKT, KCN đã đi vào hoạt động, đang phát huy hiệu quả.

Nhờ đó, ngày càng có nhiều NĐT đến tìm hiểu, đầu tư DA, tỷ lệ lấp đầy trong các KKT, KCN ngày càng tăng lên; trong đó KCN Tây Bắc Đồng Hới hiện có tỷ lệ cao nhất với 100%, KCN cảng biển Hòn La (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 80%, KCN Bắc Đồng Hới (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 83,5%, KCN Hòn La II lấp đầy 20,5%, còn lại các KCN khác có tỷ lệ lấp đầy từ dưới 20%.

Tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội

Phó trưởng BQL KKT tỉnh Nguyễn Quốc Khánh khẳng định: Tuy vẫn còn không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực của các đơn vị liên quan, tình hình phát triển các KKT, KCN có nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng rõ ràng nhất là, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả về tác động và cường độ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 vừa qua, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN, KKT vẫn đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận.

Sản phẩm của Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình được đối tác Nhật Bản ký hợp đồng bao tiêu lâu dài.

Sản phẩm của Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình được đối tác Nhật Bản ký hợp đồng bao tiêu lâu dài.

Tại KCN Tây Bắc Quán Hàu (Quảng Ninh), với diện tích 262ha và hạ tầng đang từng bước được hoàn thiện, KCN được kỳ vọng là nơi thu hút nguồn vốn đầu tư vào Quảng Bình với các ngành nghề có công nghệ sạch, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Hiện tại, ở đây đã có 9 DA được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 4 DA hoàn thành đi vào hoạt động và 5 DA đang tiến hành các bước thủ tục đầu tư.

Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình (tên giao dịch Công ty CP Năng lượng sinh học Vĩnh Ninh) là một trong những DA được triển khai khá nhanh tại KCN Tây Bắc Quán Hàu. Nhà máy có dây chuyền công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng của địa phương, 70% lao động của nhà máy là con em huyện Quảng Ninh, mức lương trung bình trên 10 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm xuất khẩu 100% qua Nhật Bản và được đối tác ký hợp đồng lâu dài.

Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình tại KCN Tây Bắc Quán Hàu đang phát huy hiệu quả đầu tư.

Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình tại KCN Tây Bắc Quán Hàu đang phát huy hiệu quả đầu tư.

Dẫn phóng viên đi tham quan nhà máy, nhìn những công nhân làm việc bên dây chuyền sản xuất hiện đại, dường như không một chút khói bụi, ông Bùi Văn Minh, Giám đốc công ty chia sẻ: DA được cấp chủ trương đầu tư năm 2021, lúc dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, hỗ trợ tích cực của các sở, ngành, địa phương liên quan nên đã bảo đảm tiến độ, hoàn thành, đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023, tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng. Đây là nhà máy lớn nhất trong hạng mục sản xuất viên nén gỗ trên địa bàn tỉnh.

“Nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất viên nén gỗ hiện đại của Đức, với công suất thiết kế 70.000 tấn sản phẩm/năm, nhưng hiện đang hoạt động vượt công suất, với khoảng 250 tấn/ngày mà vẫn không đủ hàng để xuất đi”, ông Bùi Văn Minh cho hay.

Công ty TNHH S&D Quảng Bình là DN may mặc đã gắn bó chẵn 10 năm tại KCN Tây Bắc Quán Hàu tính đến thời điểm này. DN hiện có 950 lao động người địa phương và đang tiếp tục mở rộng dây chuyền sản xuất. Ông Âu Văn Dũng, Phó Giám đốc công ty cho hay, đặc thù của DN may mặc là giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, “ly nông nhưng không ly hương”. Đáp ứng nhu cầu phát triển DN và thị trường may mặc đang “ấm” dần lên, hiện công ty tiếp tục tuyển dụng thêm lao động với kế hoạch đạt tổng số lao động 2.000 người.

Công ty TNHH S&D Quảng Bình đang sử dụng 950 lao động là con em địa phương.

Công ty TNHH S&D Quảng Bình đang sử dụng 950 lao động là con em địa phương.

“Chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất tích cực từ phía các ban, ngành, địa phương liên quan, được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi để phát triển DN, mở rộng sản xuất. Tình hình an ninh trật tự trong khu vực rất bảo đảm”, ông Âu Văn Dũng chia sẻ.

Hiện, các DN trong KCN, KKT trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 4.800 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6,7-7 triệu đồng/người/tháng.

Theo báo cáo của BQL KKT tỉnh, trong 3 năm 2021-2023, các DN trong KKT, KCN đã nộp ngân sách 1.516 tỷ đồng chiếm 7,07% so với toàn tỉnh. Tổng doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 11.812 tỷ đồng chiếm 25,62% so với toàn tỉnh; thương mại dịch vụ đạt 8.734 tỷ đồng, chiếm 6,02% so với toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu 239 triệu USD, chiếm 41% so với toàn tỉnh. Hàng hóa qua cảng Hòn La đạt 5 triệu tấn.

Đặc biệt, thương mại qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo từng bước khởi sắc, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,922 tỷ USD. Lượng hàng hóa qua cửa khẩu đạt 12 triệu tấn; thu thuế qua cửa khẩu 675 tỷ đồng, thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng 283 tỷ đồng, thu tiền cho thuê hạ tầng 13 tỷ đồng.

“Thời gian tới, BQL KKT tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng cứng, tăng tỷ lệ lấp đầy trong các KKT, KCN; đẩy mạnh phát triển các KKT động lực của tỉnh, tăng cường liên kết vùng với các KKT trọng điểm trong khu vực để tích cực góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương”, Phó trưởng BQL KKT tỉnh Nguyễn Quốc Khánh cho biết.

Anh Tuấn

>>> Bài 2: Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202408/thu-hut-dau-tu-vao-cac-khu-kinh-te-khu-cong-nghiep-bai-1-chuyen-bien-tich-cuc-trong-thu-hut-dau-tu-2220126/