Thu hút nguồn vốn tư nhân phát triển hạ tầng cảng biển
Hàng hải luôn là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ dòng vốn tư nhân, vượt trội so với nhiều loại hình hạ tầng khác. Trong thời gian tới, định hướng phát triển ngành hàng hải là đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, trong đó, vốn tư nhân dự kiến sẽ chiếm tới 95% tổng mức đầu tư.
Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt có 5 nhóm cảng biển. Đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 351.500 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư các công trình hàng hải công cộng và cảng nước sâu.
Trong đó bao gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn cần huy động đồng bộ, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển hạ tầng cảng biển nước ta.
Dự án bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) do Tập đoàn Hateco đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 299/2021 mới đưa vào khai thác đồng bộ và trở thành dự án phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu đầu tiên tại Việt Nam từ nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân. Với quy mô hơn 70ha, trong đó bến chính dài 900m và bến sà lan 300m, cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu container lớn nhất thế giới. Cảng có công suất khai thác đạt 2,2 triệu TEU/năm. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực miền Bắc và cả nước và là minh chứng cho khả năng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.
Ông Trần Văn Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Hetaco, khẳng định: "Đây là cảng nước sâu được đầu tư vận hành theo mô hình cảng xanh hiện đại. Cảng Hateco hoàn thành là minh chứng và khẳng định ý chí, quyết tâm và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng biển, với mong muốn góp phần phát triển hệ thống cảng biển nước ta vươn tầm quốc tế".

Toàn cảnh Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng. Ảnh: Thanh Niên
Nhìn lại quá trình phát triển lĩnh vực hàng hải nước ta thời gian qua, nguồn vốn ngoài ngân sách huy động đầu tư cho lĩnh vực hàng hải khoảng 173,4000 tỷ đồng, xấp xỉ 86% tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Tỷ lệ này cho thấy nguồn vốn tư nhân đóng góp rất lớn trong phát triển hạ tầng cảng biển nước ta. Để thu hút lượng vốn lớn như vậy, với những chính sách mở về đầu tư, thời gian qua cảng biển Việt Nam đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cảng biển, nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và vận hành khai thác cảng như tại Hải Phòng là một ví dụ.
Để tiếp tục thu hút đầu tư và tạo điều kiện thực sự cho các nhà đầu tư và vận hành, khai thác hạ tầng cảng biển, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cam kết: "Sự tham gia của tập đoàn Hateco và các nhà đầu tư, nhà thầu sớm đưa công trình vào hoạt động sau hơn 30 tháng thi công, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư (trong đó có Hateco) tiếp tục quản lý khai thác vận hành hệ thống hạ tầng hàng hải và cảng biển tại khu vực Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn".
Trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện nhằm huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực. Đồng thời khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển và logistics nêu giải pháp: "Trong điều kiện địa thế Việt Nam trải dài thì việc kết nối hệ thống hạ giữa các địa phương, nhất là cảng biển rất quan trọng. Không chỉ đầu tư của nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, mà cùng với đó, rất cần sự đầu tư ban đầu của nguồn vốn nhà nước. Nguồn vốn này ví như “vốn mồi” để kích thích, tiếp tục tạo sức hút vốn tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng cảng biển".
Song hành với hệ thống cảng biển được đầu tư, thì việc khai thác hiệu quả nhờ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng tăng tính bền vững và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, xác định hàng hải luôn là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ dòng vốn tư nhân, vượt trội so với nhiều loại hình hạ tầng khác. Trong thời gian tới, định hướng phát triển ngành hàng hải là đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, trong đó, vốn tư nhân dự kiến sẽ chiếm tới 95% tổng mức đầu tư:
"Tôi cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân vào khai thác hệ thống cảng biển (như bến 5,6 và 3,4) của Lạch Huyện rất có ý nghĩa. Đây là cơ sở hạ tầng đóng góp vào vận chuyển hàng hóa XNK, đáp ứng nhu cầu nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước ta. Sắp tới đây sẽ kết nối đồng bộ với hạ tầng đường bộ, đường sắt kết nối với nhau, góp phần phát triển kinh tế", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang nói.

Ảnh minh họa
Theo quy hoạch, sẽ ưu tiên đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ, bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng) trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục đầu tư các dự án nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Vũng Áng và hệ thống đê chắn sóng (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Cửa Việt; nâng cấp luồng hàng hải Chân Mây; đầu tư mở rộng đoạn cong chữ "S" luồng Cái Mép - Thị Vải… Với hệ thống luồng lạch được nạo vét, khơi thông cùng với việc thu hút đầu tư hệ thống các bến cảng, nhất là tại các cảng trung chuyển gắn với chuyển đổi xanh theo lộ trình sẽ tạo bước đột phá phát triển hạ tầng cảng biển nước ta, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong giai đoạn mới.