Thu ngân sách tăng cao hơn chi, đại biểu Quốc hội lo tiền bị rút ra khỏi nền kinh tế chưa kịp tái phân phối
Trong khi số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường đang cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn tăng chi, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) lo ngại một lượng tiền đang bị rút ra khỏi nền kinh tế mà chưa kịp tái phân phối.
Đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt về tín dụng
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều 29/5, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) băn khoăn về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Trước đó, Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ nhấn mạnh, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,56%, cao nhất trong giai đoạn từ 2020 đến nay. Tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất giữ nguyên theo kịch bản đã xây dựng là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm 2024 đạt khoảng 6 - 6,5%.
"Theo tôi thì đây cũng là đề xuất thận trọng nếu nhìn vào những thách thức của nền kinh tế, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp", đại biểu Hà Sỹ Đồng nói và dẫn chứng, 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (bình quân hơn 21.600 doanh nghiệp/tháng).
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tại báo cáo ngày 27/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật số liệu cho thấy, trong tháng 5/2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11,4 nghìn doanh nghiệp).
Nhưng tính chung cả 5 tháng thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.299 doanh nghiệp, tăng 10,5%; còn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Vị đại biểu cho rằng đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. "Chúng ta vẫn nói doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Trước những con số biết nói trên, tôi đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn để có những quyết sách kịp thời tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động", ông Đồng nói.
Nêu giải pháp cụ thể, vị đại biểu đề nghị chú ý đến giải pháp tín dụng.
Theo đó, nếu quan sát khu vực ngân sách nhà nước thì thấy vế thu đang tăng mạnh hơn vế chi, đã giúp cán cân ngân sách thặng dư lớn tới gần 300.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm.
Thành tích này giúp chính sách tài khóa có thêm dư địa để mở rộng, hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu cho rằng kết quả này có nghĩa là một lượng tiền lớn của doanh nghiệp và người dân đã được huy động và rút ra khỏi nền kinh tế, chưa được tái phân phối kịp thời trở lại. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng thấp hơn, thậm chí đang âm.
Đến cuối tháng 4/2024, tăng trưởng huy động vốn âm 1,1% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 4 tăng 1,9% so đầu năm.
"Có thể thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm 2024 đặt ra cũng khá thách thức, như chính nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư", ông Đồng nhấn mạnh.
Kiểm soát rủi ro lạm phát
Một vấn đề nữa đại biểu Hà Sỹ Đồng quan tâm, đóng góp ý kiến cho Chính phủ là nguy cơ rủi ro lạm phát thời gian tới.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, cuối tháng 4/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước và bình quân 4 tháng tăng 3,93% so cùng kỳ năm trước.
Các yếu tố chính khiến CPI tăng trong thời gian qua được chỉ ra gồm: áp lực từ giá hàng hóa thế giới tăng mạnh, đặc biệt giá dầu, kéo theo giá xăng, dầu trong nước tăng; chi phí giao thông, giá thuê nhà, các chi phí khác cũng tăng khá cao; tỷ giá, giá vàng biến động mạnh, tạo tâm lý tăng giá cả hàng hóa...
Ngoài ra, áp lực lạm phát tới cuối năm đang hiện hữu do một số yếu tố như: giá cả hàng hóa thế giới bất định, tiềm ẩn rủi ro gia tăng khi xung đột địa chính trị đang cao trào; tăng lương tối thiểu từ 01/7 khiến giá cả tăng theo; cộng hưởng với các yếu tố mùa vụ như dịp hè, đầu năm học mới; nguy cơ thiên tai, bão lũ bất thường những tháng cuối năm nay...
Chỉ ra những yếu tố hỗ trợ giúp giảm nguy cơ lạm phát bao gồm, bảo đảm được an ninh lương thực; Nhà nước tăng cường điều hành bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu..., đại biểu đoàn Quảng Trị cũng nhấn mạnh hơn đến yếu tố tiền tệ gây ra rủi ro lạm phát.
Theo ông Đồng, chúng ta đã một thời gian khá dài theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế. Một khi cầu tiêu dùng gia tăng tích cực trở lại, vấn đề lạm phát do cầu kéo sẽ được thể hiện rõ, tương tự như các nền kinh tế phát triển thời hậu Covid đã trải qua.
Thêm nữa, yếu tố lạm phát kỳ vọng cũng đang được nhen nhóm khi tỉ giá, giá vàng, giá bất động sản phân khúc chung cư ở một số đô thị lớn, đang biến động mạnh.
"Vì thế, tôi đề nghị bên cạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thì kiểm soát lạm phát cần được đặc biệt coi trọng trong thời gian tới", ông Đồng nói.
Quảng Trị xin hỗ trợ "vốn mồi" cho cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo
Thứ sáu tuần này Quốc hội sẽ thảo luận về về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An.
Vì sự phát triển chung, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, ông rất ủng hộ chủ trương này và đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu tại tổ là hiện nay Quốc hội đã cho cơ chế đặc thù 10 địa phương, đánh giá lại các cơ chế, chính sách đặc thù này, nếu nó đúng, trúng và hiệu quả thì ta nhân rộng cho các địa phương khác thực hiện theo.
Với tinh thần này, Quảng Trị vừa lần đầu tiên đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù cho tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Vị đại biểu là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là điểm đầu của hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối với cao tốc Bắc Nam, kết nối vùng giữa Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế với chiều dài 56 km, dự toán 13.000 tỷ đồng.
"Cơ chế đặc thù ở đây là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Trong giai đoạn đầu, đề nghị Trung ương hỗ trợ một phần vốn để làm vốn mồi, bởi Quảng Trị là tỉnh còn rất nhiều khó khăn", ông Đồng đề xuất.