Thu phí ô tô vào nội đô: Nên có lộ trình
Việc Hà Nội xây dựng Đề án 'Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào' đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Hà Nội cần cân nhắc thận trọng và đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện thu phí phương tiện cơ giới đi vào nội đô.
Theo đề án do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) xây dựng, Hà Nội sẽ lập khoảng 100 trạm thu phí tự động ô tô vào nội đô tại các cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố. Tổng mức đầu tư cho việc lắp đặt các trạm thu phí này khoảng 2.600 tỷ đồng. Dự kiến, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện trong năm 2024; khung mức phí đối với xe vào trung tâm Hà Nội được xây dựng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/lượt. Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn. Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, thực ra việc thu phí phương tiện đi vào nội đô không phải lần đầu tiên được đặt ra. Các giải pháp về hạn chế xe cá nhân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được bàn từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phương án thực hiện hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là do vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển của đô thị.
Mong muốn Thủ đô Hà Nội không còn cảnh ùn tắc là điều chính đáng của tất cả mọi người. Do đó, cần có giải pháp để hạn chế các phương tiện đi vào nội đô. Tuy nhiên, việc thu phí xe ô tô đi vào nội đô ở phạm vi, thời điểm nào là thích hợp đang là bài toán cần các cơ quan quản lý cân nhắc kỹ và có lộ trình, bởi việc triển khai thu phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân. Đơn cử, các doanh nghiệp vận tải, tài xế taxi sẽ thu giá cước như thế nào để bù đắp lại chi phí phát sinh. Đặc biệt, những người dân sống trong khu vực thu phí hoặc ở ngoài vành đai nhưng cơ quan lại ở trong khu vực thu phí thì chi phí phát sinh sẽ là khoản không nhỏ.
Chính vì vậy, Hà Nội cần đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện đề án thu phí xe ô tô vào nội đô dựa trên việc xem xét điều kiện kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông của Hà Nội để có giải pháp thích hợp. Việc này chỉ có thể triển khai một cách khả thi, hiệu quả khi điều kiện vận tải công cộng đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân. Nhìn vào kết quả bước đầu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có thể thấy, khi có phương tiện giao thông công cộng phù hợp, người dân sẽ tự động hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Cùng với đó, Hà Nội cần quyết liệt giành lại quỹ đất cho các điểm đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông công cộng chậm tiến độ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thu-phi-o-to-vao-noi-do-nen-co-lo-trinh-709014