Thu phí vào nội đô Hà Nội: Ý tưởng tốt nhưng thời điểm và cách làm phải phù hợp

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc thu phí vào nội đô Hà Nội nhằm hạn chế ô tô cá nhân, giảm ùn tắc là ý tưởng tốt nhưng cơ quan chức năng TP. Hà Nội cần tính toán, cân nhắc hợp lý cách làm và thời điểm triển khai để nhận được sự đồng thuận của người dân.

Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội cần tiến hành đồng thời với các giải pháp về đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông, phát triển giao thông công cộng (ảnh minh họa: Lê Hoàng)

Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội cần tiến hành đồng thời với các giải pháp về đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông, phát triển giao thông công cộng (ảnh minh họa: Lê Hoàng)

Thiết lập 15 trạm thu phí trên các trục đường có nguy cơ ùn tắc

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT (Trường Đại học GTVT) vừa báo cáo Sở GTVT Hà Nội về tiến độ xây dựng Đề án "Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ UTGT". Việc thí điểm đề án có thể thực hiện trong năm 2024, do vậy đề nghị thành phố nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thu phí giai đoạn 2022 - 2023 để có thời gian triển khai các bước tiếp theo.

Theo nội dung đề án, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ thiết lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm). Mức thu phí được xác định tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 100.000 đồng/lượt xe ô tô.

Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là từ 5 - 21h hàng ngày. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

Quá trình thu phí được thực hiện theo 3 giai đoạn khác nhau. Trong đó, giai đoạn thí điểm (từ 2024 - 2025) sẽ lắp 15 trạm thu phí trên các trục đường có nguy cơ ùn tắc; đến ngày 30/11/2025 sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm, làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3, mở rộng vùng thu phí ô tô.

Cân nhắc thời điểm và cách làm

TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, mục đích của việc thu phí vào nội đô là hạn chế phương tiện ô tô cá nhân, giảm ùn tắc. Đây là ý tưởng tốt nhưng điều quan trọng là cách làm và nhất là chọn thời điểm triển khai cho hợp lý.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, thực tế ở Hà Nội chỉ có khoảng 10% người dân sử dụng phương tiện công cộng, còn đến 90% sử dụng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy, xe máy điện...). Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị chưa đồng bộ, hiện chỉ có duy nhất tuyến Cát Linh - Hà Đông đang khai thác. Trong khi đó, phương tiện xe buýt thì di chuyển chậm, không đúng giờ, một phần do ùn tắc, một phần do hạ tầng giao thông chưa tốt (diện tích cho giao thông đô thị mới chiếm 7 - 8%, trong khi yêu cầu từ 20 - 25%...).

"Nếu đề án thu phí được thông qua và áp dụng từ năm 2024 thì không hình dung nổi khi đó người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì", TS. Nguyễn Xuân Thủy băn khoăn và cho rằng, Hà Nội không thể "ép" hay "cưỡng bức" người dân từ bỏ phương tiện cá nhân trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Điều này còn có thể tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo vị chuyên gia này, để giải quyết câu chuyện ùn tắc ở Hà Nội cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ, các ngã tư sao cho thông thoáng; đường dẫn lên, xuống cầu phải bố trí khoa học; phát triển giao thông công cộng hợp lý, thuận tiện để người dân tự giác lựa chọn phương tiện thay thế; ứng dụng tổ chức giao thông thông minh; nâng cao vai trò quy hoạch kiến trúc đô thị với tầm nhìn dài hạn, tránh manh mún, "băm nát" quy hoạch trên một số tuyến đường như Lê Văn Lương, Tố Hữu...

Trong khi đó, GS. TS. Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, trên thế giới đã có một số quốc gia như Anh, Singapore áp dụng thu phí vào khu vực hạn chế và đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, khi áp dụng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nói riêng thì chính quyền các thành phố cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, bài bản và chọn thời điểm, phạm vi áp dụng hợp lý, khoa học.

Còn theo TS, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, việc thu phí ô tô vào nội đô chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm UTGT, giảm phương tiện cá nhân nên các giải pháp phải được tiến hành đồng bộ, có lộ trình cụ thể.

"Đó là chưa kể, ngành chức năng cần tính toán đến vấn đề di dân, bởi không tránh được việc người lao động tìm cách di chuyển vào khu vực nội đô để sinh sống, tránh phải trả phí, đi lại bất tiện. Khi đó, lượng dân cư trong nội đô sẽ tăng lên, tạo áp lực cho những vấn đề xã hội khác", ông Cường nêu ý kiến và cho rằng, với tổng mức đầu tư dự kiến cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô khoảng 2.600 tỉ đồng (chưa kể việc vận hành, bộ máy nhân sự...), trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, số kinh phí này được dùng vào việc xây trường học, giải quyết vấn đề giao thông công cộng... sẽ có ý nghĩa hơn.

Cùng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, cơ quan chức năng nên có những đánh giá tác động xã hội thật sự thuyết phục, để khi triển khai không cản trở các hoạt động kinh tế - xã hội, gây ức chế cho người dân. "Khi mạng lưới, hệ thống phương tiện công cộng phát triển tốt, người dân sẽ tự hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân mà không cần cấm hay thu phí", luật sư Bình nói.

V. Huế - X. Lộc

V. Huế - X. Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thu-phi-vao-noi-do-ha-noi-y-tuong-tot-nhung-thoi-diem-va-cach-lam-phai-phu-hop-183221114102015785.htm