Thu thuế tối thiểu toàn cầu: Làm thế nào để đại bàng tiếp tục làm tổ?

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam', nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Việt Nam để đảm bảo quyền đánh thuế cũng như giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam áp dụng cơ chế thuế nội địa

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam:

Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một số nước trong khu vực đang áp dụng.

Ngoài các vấn đề liên quan đến thuế, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để bù đắp lại một phần cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Có kế hoạch và đầu tư phát triển sớm vùng nguyên liệu đủ cả về số lượng, chất lượng, tăng tỷ trọng sử dụng nguyên liệu nội địa nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo của doanh nghiệp bằng các biện pháp phù hợp, không trái thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, qua đó giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các chi phí ngầm mà các doanh nghiệp đang gánh chịu. Cùng với tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo thông thoáng, rõ ràng minh bạch, thống nhất, dễ hiểu, dễ làm… giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ bằng tiền

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam:

Hiện tại, Samsung có 06 pháp nhân sản xuất, 01 Trung tâm nghiên cứu phát triển, với tổng số vốn đầu tư là 20 tỷ USD, chiếm 50% tỷ trọng sản lượng điện thoại được sản xuất trên toàn thế giới. Việt Nam được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của Trụ cột 2.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những quyết đoán trong quá trình ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu này. Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi có một số kiến nghị về phương án hỗ trợ duy trì năng lực đầu tư của doanh nghiệp FDI và các chính sách ưu đãi có liên quan.

Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai các hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo.

Chúng tôi đã có những nghiên cứu về vấn đề này và thấy rằng, hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt trên cơ sở chi phí hoặc hình thức khấu trừ thuế hoàn lại đạt chuẩn (QRTC) là hình thức hỗ trợ hiệu quả và đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư. Các hình thức khác không đem lại lợi ích thực sự vì có thể làm giảm thuế suất hiệu quả theo các quy tắc Trụ cột 2 và dẫn đến việc doanh nghiệp phải nộp thuế bổ sung. Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng việc hỗ trợ cũng nên được xem xét tùy thuộc vào mục tiêu thu hút đầu tư của Chính phủ Việt nam, đồng thời cũng tùy thuộc tình hình thực trạng và quy mô của từng dự án đầu tư để có hình thức và mức hỗ trợ phù hợp.

Do đó, chúng tôi kiến nghị áp dụng cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ bằng tiền đang được áp dụng phổ biến tại các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ… Theo rà soát của chúng tôi về các hạng mục khoản hỗ trợ tiền mặt của các quốc gia khác nhau, thấy rằng có những hạng mục hỗ trợ bằng tiền mặt rất đa dạng như cho R&D, thiết bị sản xuất, xuất khẩu, sản phẩm sản xuất…

Thứ hai, để có được nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ nêu trên, Việt Nam cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế QDMTT.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu cần được áp dụng ngay từ năm 2024

Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống:

Thuế suất phổ thông hiện tại Việt Nam là 20%, nhưng hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có các dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư và một số doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn còn được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, theo đó các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (gồm thuế suất ưu đãi và thời gian miễn, giảm thuế) với mức thuế suất 0%, 5%, 7,5% hoặc 10%.

Theo bà Nga, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ ngày 01/01/2024 và Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật và thể hiện quan điểm ủng hộ thỏa thuận và cam kết thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Việt Nam cần xây dựng đề án về thuế suất tối thiểu toàn cầu trong quý 2/2023 trình Thủ tướng Chính phủ - Quyết định số 308/QĐ-TTg. Tiếp đó là đánh giá chủ trương chính sách của Việt Nam và đẩy nhanh tiến xây dựng nội luật áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế, có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11/2023 và mở rộng hơn với tháng 12/2023 và thông báo chính thức chủ trương vào ngày 01/01/2024 khi thuế suất tối thiểu toàn cầu có hiệu lực.

Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trụ cột II, bà Nga không nhất trí với việc ưu đãi bằng tiền mặt. Thay vào đó Việt Nam có thể hỗ trợ bằng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế TNDN, ưu đãi về tài chính, hạ tầng, đất đai…

Chính sách ưu đãi mới cho các nhà đầu tư nước ngoài

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam:

Bà Vân cho rằng Việt Nam nên nhanh chóng ban hành thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu để tránh thất thu thuế. Tuy nhiên điều đó có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp FDI.

Do đó, theo bà Vân, cần phải có một hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư mới để ngăn chặn việc các lợi ích ưu đãi thuế do Việt Nam cấp bị chuyển sang các nước khác cũng như đảm bảo khả năng cạnh tranh của việc thu hút FDI vào Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam cần xây dựng chính sách ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Nguyên tắc dựa trên ưu đãi chi phí mới có thể đáp ứng và không bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu.

Bà Vân gợi ý, có chăng nên giới thiệu một chính sách ưu đãi đầu tư mới với các khoản trợ cấp hoặc khấu trừ thuế mang tính chất trợ cấp đủ điều kiện với các khoản trợ cấp thuế được hoàn lại được coi là thu nhập theo các quy tắc của GloBE áp dụng cho việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu. Hoặc ưu đãi dựa trên các chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp đã bỏ ra, trên cơ sở phân lại cho họ.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-thue-toi-thieu-toan-cau-lam-the-nao-de-dai-bang-tiep-tuc-lam-to-d38397.html