Thủ tướng Ấn Độ công bố gói kích thích kinh tế trị giá 270 tỉ USD

Một khu chợ ở Allahabad, Ấn Độ ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

* Indonesia công bố 6 chính sách tiền tệ nhằm ổn định hệ thống tài chính

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa công bố gói kích thích trị giá 20.000 tỉ rupee (khoảng 270 tỉ USD) nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng "ì ạch" của kinh tế nước này, trong bối cảnh New Delhi đang phải chống chọi với tác động của đại dịch COVID-19 cũng như biện pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài suốt nhiều tuần qua.

Phát biểu trên sóng truyền hình, Thủ tướng Modi cho biết gói hỗ trợ kinh tế tương đương 10% GDP của Ấn Độ này nhằm hướng tới phong trào tự lực của đất nước, tập trung vào các thành phần như đất đai, lao động và các yếu tố quan trọng khác.

Gói kích thích này sẽ được dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nông dân, người lao động và tầng lớp trung lưu.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Modi cho hay phong trào tự lực của Ấn Độ dựa trên 5 trụ cột là kinh tế, cơ sở hạ tầng, hệ thống, nhân khẩu học và nhu cầu. Ông Modi cho biết thêm gói hỗ trợ kinh tế trên bao gồm cả gói kích thích trị giá 2 tỉ USD mà Chính phủ Ấn Độ công bố hồi cuối tháng 3.

Chi tiết cụ thể sẽ được Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman công bố trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng thông báo sẽ tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi giai đoạn phong tỏa hiện nay kết thúc vào ngày 18/5. Theo ông Modi, giai đoạn phong tỏa lần 4 sẽ áp dụng những hướng dẫn và quy định mới và những quy tắc này sẽ được ban hành trước ngày 18/5.

Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3 và gia hạn hai lần vào các ngày 14/4 và 3/5 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo trang worldtometers.info, đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận 73.981 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.408 ca tử vong.

Tại Indonesia, phát biểu sau một cuộc họp mới đây của Ủy ban ổn định hệ thống tài chính (KSSK) cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Indonesia (IDIC), Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo cho biết các chính sách trên tập trung vào 6 điểm chính.

Thứ nhất, BI đã hai lần hạ lãi suất điều hành với tổng cộng 25 điểm cơ bản xuống còn 4,5%. Theo ông Perry, mức giảm này phù hợp với dự báo lạm phát thấp và được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 3+1% nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.

Tại cuộc họp hội đồng quản trị hôm 13/4, Thống đốc Perry cho biết BI quyết định duy trì lãi suất điều hành do nhận thấy cần ưu tiên chính sách lãi suất nhằm duy trì sự ổn định của đồng rupiah trong ngắn hạn. Tuy nhiên, BI khẳng định sẵn sàng cắt giảm lãi suất khi bất ổn trên thị trường tài chính bắt đầu giảm.

Thứ hai, BI đã ổn định và củng cố đồng rupiah bằng cách tăng cường can thiệp vào thị trường giao ngay, thị trường hợp đồng kỳ hạn không giao dịch và mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, nhờ dự trữ ngoại tệ tương đối lớn.

BI cũng ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương khác, bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Thống đốc Perry cho hay các biện pháp bình ổn tỉ giá đã giúp tăng cường đồng rupiah, từ mức đỉnh gần 17.000 rupiah đổi 1 USD xuống dưới 15.000 rupiah đổi 1 USD hiện nay. BI cho rằng tỉ giá hối đoái hiện tại về cơ bản được định giá thấp và sẽ ổn định trong thời gian tới.

Thứ ba, BI tiếp tục mở rộng các công cụ và giao dịch trên thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối bằng cách cung cấp thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro đối với đồng rupiah thông qua các hợp đồng kỳ hạn không giao dịch, tăng cường các giao dịch hoán đổi ngoại tệ, và cung cấp thỏa thuận mua lại có kỳ hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng.

Thứ tư, BI bơm một lượng lớn thanh khoản thông qua chính sách nới lỏng định lượng vào thị trường tài chính và các ngân hàng nhằm tăng cường thanh khoản cho thị trường và khởi động quá trình phục hồi kinh tế quốc gia.

Tính từ đầu năm 2020, BI đã bơm khoảng 503.800 tỉ rupiah vào hệ thống tài chính bằng cách mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, cung cấp thêm thanh khoản cho thỏa thuận mua lại, hoán đổi ngoại tệ, và giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc bằng đồng rupiah.

Năm là, BI thực hiện các chính sách an toàn vĩ mô nhằm khuyến khích các ngân hàng cung cấp tín dụng, thông qua việc giảm các quy định về tỉ lệ cho vay trên giá trị, tỉ lệ vĩ mô trung gian (RIM), và giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc bằng đồng rupiah - nhất là đối với các hợp đồng tín dụng xuất nhập khẩu và các khoản vay dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) - nhằm ứng phó với các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Sáu là, BI giảm bớt các ràng buộc thanh toán đối với cả hệ thống thanh toán bằng tiền mặt và phi tiền mặt nhằm thúc đẩy các giao dịch kinh tế và tài chính. Theo Thống đốc Perry, chính sách này khuyến khích khách hàng tăng cường các giao dịch phi tiền mặt, như sử dụng tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng trực tuyến và thanh toán bằng QRIS (tiêu chuẩn thanh toán QR Code quốc gia).

L.H (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239771/thu-tuong-an-do-cong-bo-goi-kich-thich-kinh-te-tri-gia-270-ti-usd.html