Thủ tướng chốt thời hạn khởi công loạt dự án giao thông lớn

Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2024, một loạt dự án lớn như Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình phải khởi công.

Giải quyết dứt điểm vấn đề vật liệu xây dựng ở ĐBSCL

Sáng 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quá trình triển khai các dự án gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường các dự án và người dân đã có nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả tích cực, rất đáng trân trọng, tạo phong trào, xu thế phát triển hạ tầng trên cả nước.

"Công trình ở đâu thì người dân và địa phương hưởng lợi tới đó", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Qua các báo cáo, ý kiến, có một số vướng mắc nổi lên, Thủ tướng chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, giải quyết thời gian tới.

Riêng về vấn đề vật liệu xây dựng cho các dự án tại ĐBSCL và Vành đai 3 TP.HCM, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp tại Vĩnh Long.

Thủ tướng yêu cầu trong 5 ngày tới, Phó thủ tướng tiếp tục triệu tập hội nghị tại Bến Tre với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương để giải quyết dứt điểm.

"Các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động, tích cực hơn nữa tìm nguồn cung ứng cát, vận dụng các điều kiện cho phép để làm", Thủ tướng yêu cầu.

Về các vướng mắc liên quan việc thi công ban đêm, Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường đối thoại với người dân, thăm hỏi, động viên, vận động người dân ủng hộ việc thi công "3 ca, 4 kíp".

Bên cạnh việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thời gian thi công phù hợp để tác động thấp nhất tới cuộc sống người dân.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Nội vụ rà soát, phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000km cao tốc trước ngày 31/12/2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Phấn đấu khởi công nhiều dự án lớn trong năm 2024

Giao nhiệm vụ cụ thể đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước chủ động làm việc với các các cơ quan của Quốc hội, kịp thời giải trình, bổ sung phù hợp để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan hướng dẫn, làm việc, theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương, Hòa Bình, Tiền Giang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công trong năm 2024 đối với các dự án: Dự án thành phần 3 của dự án Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình đầu tư theo phương thức PPP), Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các dự án (Ảnh: VGP).

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các dự án (Ảnh: VGP).

Đối với các dự án: Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu khởi công chậm nhất ngày 2/9 tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Bình - Hải Phòng đầu tư theo phương thức PPP; Phối hợp với TP.HCM và các cơ quan liên quan để sớm trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án TP.HCM - Mộc Bài.

Bên cạnh đó, bộ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ GTVT để sớm hoàn thành báo cáo thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, phê duyệt trong tháng 6 này.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC đẩy nhanh tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (hoàn thành, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 11/2024).

Ưu tiên toàn bộ trữ lượng mỏ ở Tiền Giang, Bến Tre để làm dự án cao tốc

Đối với các dự án đang thi công xây dựng,Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh.

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc thí điểm sử dụng cát biển, bảo đảm chất lượng công trình và không ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, thủy sản.

Toàn cảnh phiên họp thứ 12 (Ảnh: VGP).

Toàn cảnh phiên họp thứ 12 (Ảnh: VGP).

Bộ Xây dựng được giao khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong việc hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn các địa phương xác định giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù, hoàn thành trong tháng 6/2024.

Liên quan đến các khoản vay ODA cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Mỹ An - Cao Lãnh, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục.

Còn TP.HCM và Hà Nội căn cứ trên kết quả làm việc với Bộ Tài chính để chủ động triển khai các công việc, nhằm sớm hoàn thành các thủ tục giải ngân vốn ODA cho các dự án đường sắt đô thị.

Hai thành phố này cần chủ động, quyết liệt, tích cực triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên.

Người đứng đầu Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, VEC kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa khẩn trương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, bảo đảm bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6.

Về vật liệu xây dựng, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre ưu tiên toàn bộ trữ lượng các mỏ trên địa bàn hiện nay (Tiền Giang khoảng 41,8 triệu m3, Bến Tre khoảng 15,36 triệu m3) để cấp cho các dự án trọng điểm (cân đối, phân bổ cho các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Vành đai 3 TP.HCM).

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-chot-thoi-han-khoi-cong-loat-du-an-giao-thong-lon-192240614164824291.htm