Thủ tướng chủ trì làm việc với ngân hàng: Tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Sáng 11-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại
Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo 20 ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Ảnh: VGP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_15_51446939/aa61b37a87346e6a3725.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Ảnh: VGP
Phát biểu khai mạc, chuyển lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong quá trình phát triển của đất nước có đóng góp của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại - với vai trò là mạch máu của nền kinh tế.
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có những diễn biến nhanh, các nền kinh tế lớn có những chính sách tác động đến Việt Nam, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các ngân hàng nhằm phân tích, đánh giá tình hình, đồng thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: VGP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_15_51446939/9426b13d85736c2d3562.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phân tích kỹ những khó khăn, thách thức và cả những thuận lợi, thời cơ; đề xuất, hiến kế các giải pháp với sự tham gia của hệ thống ngân hàng để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, góp ý với Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về thể chế, Chính phủ và các bộ, ngành phải làm gì để ngành ngân hàng phát triển tốt hơn.
Thủ tướng đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực mới trong phát triển đất nước.
![Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_15_51446939/ee7fce64fa2a13744a3b.jpg)
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2024, NHNN tiếp tục chủ động điều hành lãi suất ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỉ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.
Tín dụng tăng 15,08% so với cuối năm 2023, đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỉ đồng (doanh số cho vay 23 triệu tỉ đồng).
Tích cực tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhất là sau cơn bão số 3...
Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là NHNN đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Các ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi.
Năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
![Đại diện các ngân hàng thương mại tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_15_51446939/77ce56d5629b8bc5d28a.jpg)
Đại diện các ngân hàng thương mại tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%. Chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế mà không cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.