Thủ tướng: Đổi mới tinh thần xây dựng pháp luật, tăng phân cấp phân quyền

Ngày 13/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025 để thảo luật cho ý kiến vào 4 dự án Luật và 2 Nghị quyết.

Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025 tại Trụ sở Chính phủ

Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025 tại Trụ sở Chính phủ

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 35 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Từ đầu năm 2025, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến đối với 18 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế là nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển, đem lại giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, thể chế hiện là điểm nghẽn lớn nhất, nhưng cũng là điểm dễ tháo gỡ nhất, dễ chuyển từ trạng thái khó khăn vướng mắc sang trạng thái cạnh tranh.

Thủ tướng nhấn mạnh thể chế là do con người, yếu tổ chủ quan, "nếu đầu tư tốt, làm tốt, thì thể chế tốt" "nếu đầu tư không tốt, làm không tốt, thì thể chế vướng mắc".

"Thể chế thông thoáng. Thể chế đừng để điểm nghẽn. Thể chế đừng để điểm "ách tách". Chúng ta tự "trói mình" rồi đi "cởi trói". Đề nghị tinh thần xây dựng pháp luật hiện nay phải đổi mới như thế. Phải cương quyết xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền phức cho người dân, doanh nghiệp, tăng chi phí tuân thủ. Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh... những điểm đó gắn kết với nhau trong quá trình thực hiện cũng như xây dựng pháp luật" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng pháp luật càng ngày càng đổi mới tư duy, phương pháp luận; giảm thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền; phân bổ nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó cần tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Trong quá trình xây dựng Tờ trình dự thảo Luật, Nghị quyết cần ngắn gọn. Đổi mới hơn nữa, nhất là đổi mới về tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận.

Thủ tướng cho biết: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 5/5/2025 là kỳ họp xem xét, thông qua số lượng dự án Luật, Nghị quyết nhiều nhất từ trước tới nay, trọng tâm liên quan đến thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy và những vấn đề quan trọng để phát triển KTXH, phát triển đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân. Đề nghị các đại biểu dự phiên họp tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, trách nhiệm trong quá trình trao đổi, thảo luận; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu sẽ cho ý kiến đối với 4 dự án Luật và 2 Nghị quyết gồm: Bộ Luật Hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch và Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Đây là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Lại Hoa/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-doi-moi-tinh-than-xay-dung-phap-luat-tang-phan-cap-phan-quyen-post1191598.vov