Thủ tướng gợi mở '1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực' với Ninh Bình

Dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở nhiều giải pháp cụ thể để địa phương có thể tạo được sự bứt phá, phát triển bền vững thời gian tới.

Sáng 28/5, tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Nhật Bắc).

Xây dựng hành lang giao thông phát triển

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy hoạch Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên các ngành kinh tế trụ cột, các hành lang phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Theo đó, 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn. Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá. Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

Theo quy hoạch, Ninh Bình sẽ có một hành lang Bắc - Nam hình thành gắn với đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt và quốc lộ 1A. Đây là hành lang trụ cột hình thành vùng chức năng trung tâm, kết nối tỉnh Ninh Bình với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.

Tiếp đến là ba hành lang Đông - Tây, gồm hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam tỉnh, phát triển gắn với tuyến đường Đông - Tây kết nối Ninh Bình với vùng Tây Bắc và vùng kinh tế hành lang ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây phía Bắc tỉnh phát triển theo trục đường Bái Đính - Kim Sơn ven sông Đáy, kết hợp đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hành lang kinh tế xuyên tâm Đông - Tây phát triển theo các trục đường quốc lộ 21C, quốc lộ 12B... gắn kết với các tuyến đường vành đai đô thị Ninh Bình và đường ven sông Đáy, sông Hoàng Long và cảng biển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Dương Giang).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Dương Giang).

Về phương án phát triển hạ tầng giao thông, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh phấn đấu có 2 tuyến đường cao tốc; 8 tuyến đường quốc lộ và tuyến đường bộ ven biển chạy qua; 28 tuyến đường tỉnh và 8 tuyến đường kết nối và hệ thống các bến xe, bến bãi.

Thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tỉnh sẽ xây dựng các cảng hàng hóa tổng hợp, cảng chuyên dùng, cảng hành khách trên các tuyến sông của tỉnh đảm bảo đồng bộ.

Về hàng không, Ninh Bình dự trữ quỹ đất phát triển 1 sân bay chuyên dùng tại huyện Yên Khánh và 1 sân bay chuyên dùng phục vụ phát triển du lịch tại huyện Nho Quan.

Mở ra tầm nhìn, không gian phát triển mới

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng khẳng định, Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế, là tỉnh nằm ở cực Nam Đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh; điểm giao cắt giữa 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ).

Tỉnh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng có. Ninh Bình cũng là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước; 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam. Dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng...

Theo Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.

Quy hoạch tỉnh đã lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, 3 hành lang phát triển. Thủ tướng cho rằng, đây là lựa chọn hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh thời gian tới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực".

"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Trong đó nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người, phát huy tối đa tính tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

"Hai quyết tâm" gồm quyết tâm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đi lên; Quyết tâm phát huy vai trò kết nối của 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ) về kinh tế, giao thông, hạ tầng, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi…

"Ba động lực" gồm phát triển hạ tầng chiến lược; Phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó có công nghiệp ô tô, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, đột phá.

Phân tích thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, con đường kết nối di sản…

Thủ tướng nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định là tổ chức thực hiện.

Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống lịch sử - văn hóa, ý chí, khát vọng, tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển nhanh, bền vững, vươn lên mạnh mẽ, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ trên thế giới.

Theo Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-goi-mo-1-trong-tam-2-quyet-tam-3-dong-luc-voi-ninh-binh-192240528103919164.htm