Thủ tướng nêu 9 vấn đề để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 100 tỉ USD trong những năm tới.

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra ngày 31-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa đánh giá cao kết quả ngành nông nghiệp.

Theo đó, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 62,5 tỉ USD, xuất siêu 18 tỉ USD. Trong khi xuất siêu cả nước chỉ khoảng 24-25 tỉ USD, tức nông nghiệp chiếm hơn 70% tổng số xuất siêu của cả nước.

Bên cạnh đó, nước ta không chỉ sản xuất đủ ăn mà còn thặng dư cao, xuất khẩu được trên 9 triệu tấn gạo, mang về hơn 5 tỉ USD. Thủ tướng cũng giao mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 100 tỉ USD trong những năm tới.

9 vấn đề để phát triển nông nghiệp bền vững

Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 9 vấn đề để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững. ẢNH: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 9 vấn đề để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững. ẢNH: VGP

Đầu tiên, cần xây dựng thể chế, chính sách, khi đây vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá.

Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng... Từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển của ngành.

Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp….

Vấn đề thứ ba là đất đai. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió...

"Cạnh đó cần khai thác không gian ngầm chứ không thể kéo cột điện, cột sóng lôm côm như hiện nay, để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Vấn đề thứ tư là cần chú trọng vốn và bảo hiểm trong sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp.

Vấn đề thứ năm là mở rộng thị trường, trong đó cần mở rộng thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. "Nhà nước phải chung tay tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân. Còn người nông dân phải bảo đảm chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng gói thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần" - Thủ tướng gợi mở.

Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh.

Vấn đề thứ bảy là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị.

Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Thủ tướng lấy ví dụ như vẫn là bài hát Trống Cơm, vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư trí tuệ, ứng dụng khoa học công nghệ thì bài hát được nâng tầm lên rất nhiều. Vừa rồi 2 concert của giới trẻ rất thành công là nhờ yếu tố văn hóa, trí tuệ, đầu tư khoa học công nghệ. Do đó phải khai thác và tìm sự khác biệt, thương mại hóa văn hóa thành nguồn lực, từ thu hút đầu tư.

Thứ chín, hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển.

Cần tăng cường việc đối thoại, lắng nghe nông dân

Cũng trong bài phát biểu tổng kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe với nông dân, và tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo và đoàn kết, thống nhất.

Đại diện cho nông dân, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nghiêm túc tiếp thu 9 ý kiến phát biểu kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị này. Đồng thời sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2025 và của các nhiệm kỳ Đại hội XIII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

"Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng sẽ chủ động đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách lâu dài cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị đối thoại năm nay" - ông Đoàn nói.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-neu-9-van-de-de-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-ben-vung-post827771.html