Thủ tướng: Tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc
Cùng với tập trung cứu chữa người trong vụ ngộ độc thức phẩm khiến 350 người nhập viện tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ngộ độc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 50/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, ngày 14/5/2024, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 350 người phải nhập viện điều trị.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ngộ độc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024.
Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục bám sát tình hình, chỉ đạo áp dụng các biện pháp phù hợp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết.
Như Công dân và Khuyến học đã thông tin, thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, đặc biệt có vụ lên tới hơn 500 người tại Long Khánh, Đồng Nai. Trước thực tế trên, ngày 11/5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở Y tế, sở An toàn thực phẩm, ban Quản lý an toàn thực phẩm các địa phương về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nêu trên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.