Thủ tướng yêu cầu làm tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách khai thác ngầm, xây dựng tàu điện ngầm kết nối Cần Giờ - TP.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm 2025.

Sau khi nghe báo cáo, đề xuất từ lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng cho biết tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, khó lường, trong khi nhiệm vụ năm 2025 rất nhiều, nặng nề, khó khăn, thách thức đan xen cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ tình hình mới, yêu cầu mới phải có cách ứng xử mới, cách làm mới, đột phá hơn, quyết liệt hơn.

Sau khi phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm điều hành. Trong đó, các bộ ngành, địa phương phải khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Tăng trưởng kinh tế phải nhanh và bền vững, phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Phát huy các vùng động lực tăng trưởng gồm Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng (12 địa phương trong 2 vùng này đóng góp 60% GDP), các cực tăng trưởng như Hà Nội và TP.HCM (Hà Nội đóng góp 13,2% GDP, 25% thu ngân sách của cả nước; TP.HCM đóng góp 17,9%, 25% thu ngân sách).

Phân tích thêm về phát triển kinh tế nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng phải ổn định thị trường, nâng cao chất lượng, giữ vững chữ tín, nhất là trong lúc khó khăn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Đẩy mạnh đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong đó, tổng số vốn đầu tư công năm 2025 là 826.000 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ 741.100 tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ 84.800 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu phải phân bổ ngay phần vốn còn lại trong quý I, nếu chưa xong thì thu hồi, điều chuyển cho nơi khác.

Xây dựng cơ chế làm tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM

Để tạo động lực cho tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Phấn đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025.

Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu…

Đồng thời, khẩn trương khởi động các dự án lớn, trọng điểm như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Tập trung triển khai các dự án khai thác không gian phát triển mới (không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ).

 Các hạng mục tại dự án sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Thủ tướng yêu cầu xây dựng chính sách, cơ chế để làm tuyến tàu điện ngầm kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các hạng mục tại dự án sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Thủ tướng yêu cầu xây dựng chính sách, cơ chế để làm tuyến tàu điện ngầm kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm hiệu quả. Trong đó, nghiên cứu xây dựng 2 tuyến tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào hoạt động.

Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; sớm khơi thông nguồn lực của các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ (dưới 35 tuổi) mua nhà; thúc đẩy mạnh tín dụng nhà ở xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; sớm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế; đặc biệt thúc đẩy hai trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-tuong-yeu-cau-lam-tau-dien-ngam-tu-can-gio-ve-tphcm-post1533234.html