Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 1: Giữ nét cổ kính trong lòng đô thị hiện đại

Với một vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử như Thừa Thiên-Huế, việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị, kinh tế - xã hội là một bài toán đầy khó khăn và thách thức.

Lời mở đầu: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 30/11. Với cử tri Thừa Thiên-Huế, kỳ họp này cực kỳ quan trọng, đánh dấu “cú hích” để bước sang một vận hội mới khi Quốc hội sẽ xem xét thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Và để xứng tầm với thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, đô thị Huế cần định hình, phát triển như thế nào?

Mô hình, cấu trúc không gian đô thị Huế trong tương lai

Theo Quy hoạch chung, đô thị Thừa Thiên-Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2024, mô hình, cấu trúc không gian đô thị của Huế sẽ phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”.

Theo đó, các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Đô thị Huế hiện đã được mở rộng.

Đô thị Huế hiện đã được mở rộng.

Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên-Huế gồm: “Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trong đó, Một hệ thống di sản gồm: các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận; các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; các di sản khảo cổ học, nổi bật là di sản gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; các di sản đô thị, đô thị cổ và làng cổ, nhà vườn, các không gian văn hóa lễ hội đặc trưng...

Hai không gian sinh thái cảnh quan gồm: không gian sinh thái đồi, núi phía Tây tỉnh từ Bạch Mã đến Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và không gian đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kết hợp với vùng ven biển. Liên kết không gian ven biển và không gian đồi núi qua các hành lang cảnh quan chính của sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, hệ thống sông địa phương.

Hạ tầng phía nam Thành phố đang ngày càng phát triển.

Hạ tầng phía nam Thành phố đang ngày càng phát triển.

Ba hành lang kinh tế gồm: hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1, cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc - Nam; hành lang kinh tế Đông - Tây với hệ thống cảng biển gắn với các cửa khẩu qua đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy các liên kết về không gian nội vùng với tỉnh Quảng Trị và Thành phố Đà Nẵng qua hệ thống đường ven biển, quốc lộ 49B, đường sắt tốc độ cao.

Ba trọng điểm phát triển đô thị gồm: (1) khu vực đô thị trung tâm gồm Thành phố Huế hiện hữu và vùng mở rộng phía Hương Thủy, Hương Trà; (2) đô thị cửa ngõ phía Nam tại Chân Mây; (3) đô thị cửa ngõ phía Bắc tại Phong Điền. Các đô thị khác được gắn kết trong các vùng sinh thái với hệ thống hạ tầng đô thị hoàn chỉnh.

Một đô thị Huế hiện đại dần hình thành.

Một đô thị Huế hiện đại dần hình thành.

Bốn vùng quản lý phát triển như sau: vùng không gian đô thị trung tâm, bao gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà (Phân vùng A); vùng không gian phía Nam, bao gồm: đô thị Chân Mây, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc - Nam Đông (Phân vùng B); vùng không gian phía Bắc, bao gồm đô thị Phong Điền và huyện Quảng Điền (Phân vùng C); vùng không gian phía Tây là huyện A Lưới (Phân vùng D).

Cũng theo Quyết định phê duyệt này, mục tiêu của quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên-Huế là Thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Và đến năm 2045, Thừa Thiên-Huế sẽ là Thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Phải hài hòa mối quan hệ giữa phát triển đô thị với bảo tồn di sản văn hóa

Khi phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng và Chính phủ kỳ vọng Thừa Thiên-Huế sẽ là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đồng thời là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Tuy nhiên, với một vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử như Cố đô Huế, để đạt được kỳ vọng ấy không phải là hành trình trên “con đường trải hoa hồng”, bởi việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển đô thị, kinh tế - xã hội sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức.

Phía bắc Thành phố là Kinh thành Huế cổ kính, phía nam là những nhà tòa cao tầng hiện đại.

Phía bắc Thành phố là Kinh thành Huế cổ kính, phía nam là những nhà tòa cao tầng hiện đại.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Tổ trưởng chuyên môn khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, cái khó của Huế là ở chỗ, nó là thành phố du lịch nên vừa phải chú trọng quy hoạch trùng tu, bảo tồn, vừa quy hoạch phát triển văn minh đô thị. Nếu không chú trọng phát triển mạnh mẽ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… thì văn minh hiện đại của đô thị sẽ bị hạn chế; nhưng chú trọng đến mức bỏ qua các yếu tố bảo tồn ở đô thị du lịch như Huế thì cũng là điều không nên.

Ở đây, chúng ta cần quy hoạch tổng thể thành những khu đô thị bảo tồn và khu đô thị phát triển để khỏi giẫm đạp và chồng chéo giữa các xu hướng bảo tồn và xu hướng phát triển.

Các khu đô thị nào bảo tồn thì nên khoanh vùng trùng tu bảo quản và nương theo đó để phát huy giá trị (kể cả giá trị kinh tế) cho Thành phố, các khu đô thị không cần bảo tồn thì tăng cường mở rộng phát triển văn minh đô thị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thương mại hóa.

PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh cũng cho rằng, đặc biệt đô thị Huế có ưu điểm hơn các đô thị khác của khu vực bắc miền Trung là sự tồn tại nhiều không gian đô thị cổ, đô thị nhà vườn, đô thị tâm linh như phố cổ Gia Hội, đô thị sinh thái nhà vườn Kim Long, Vỹ Dại, đô thị sinh thái tâm linh thuộc Trường An, Thủy Xuân… Điều đó giúp cho đô thị Huế giữ được nét cổ kính ngay trong lòng đô thị hiện đại.

Phố cổ Gia Hội bình dị giữa lòng Thành phố.

Phố cổ Gia Hội bình dị giữa lòng Thành phố.

Trong tương lai không xa, dù đô thị Huế có mang lại một nền văn minh phồn thịnh vượt qua tầm suy tưởng hiện nay, thì con người vẫn có nhu cầu quay trở lại phố cũ, con đường xưa, cách ăn uống và sinh hoạt theo lối truyền thống; lúc đó vùng đô thị cổ sẽ đáp ứng một không gian đô thị sinh thái, đô thị nhà vườn, đô thị tạo cảnh.

Ngày nay, người dân đô thị trong các thành phố hiện đại vẫn xem mô thức đô thị-làng (city-village) là mơ ước của những thị dân vốn có đời sống hiện đại cao. Cấu trúc nhà ở một tầng nằm giữa khu vườn cây ăn trái và hoa kiểng, trang trí nội thất và đồ dùng lối xưa, cách ăn uống truyền thống đang được sống lại trong bối cảnh hiện đại của thế kỷ XXI.

“Như vậy, trong quá trình phát triển đô thị Huế, chúng ta không nên chấm dứt, đoạn tuyệt hoàn toàn với cấu trúc xã hội làng-xã, một cấu trúc đã ăn sâu vào tâm lý, tình cảm của mọi người dân. Vấn đề là cẩn chuyển hợp lý quá trình nông thôn-nông dân-nông nghiệp truyền thống thành quá trình công nhân-“làng đô thị” hiện đại. Làm được điều này, chúng ta sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề việc làm và giảm áp lực gia tăng dân số cơ học của văn minh đô thị”, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh kỳ vọng.

Nét cổ của một căn nhà rường truyền thống ở Kim Long, Tp.Huế.

Nét cổ của một căn nhà rường truyền thống ở Kim Long, Tp.Huế.

Nguyên giảng viên bộ môn Nhân học - Khảo cổ học - Văn hóa du lịch của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, chia sẻ thêm, một điều phải đề cập đến ở đây là lối sống của người dân xứ Huế một phần do ảnh hưởng của cảnh quan địa hình “phong thủy hữu tình”, một phần do dấu ấn của lịch sử, nơi từng một thời là kinh đô, ông hoàng bà chúa nên tính cách của con người xứ Huế có phần lắng đọng, trầm mặc, suy tư hơn là hướng ngoại, hành động mạnh mẽ; thích nhìn ngắm lại mình, hoài niệm về mình để giữ thuần phong mỹ tục, giữ nếp nhà gia phong hơn là chấp nhận biến đổi để nắm bắt cơ hội… Lối sống người Huế vì vậy có mặt ưu điểm là tính tình cẩn trọng, điềm đạm, triết lý suy tư, suy xét trước sau, cái đẹp trong sự tĩnh lặng, khiêm nhường, coi trọng truyền thống, quá khứ, hòa đồng giữa thiên nhiên và con người để tạo nên một không gian nhà vườn, không gian tâm linh, không gian xanh trong lòng đô thị…, nhưng mặt trái là quá cẩn trọng đến mức thiếu kiên quyết, dứt khoát trong hành động, thiếu sự mạnh mẽ cần thiết để dám làm, dám chịu trách nhiệm, thiếu sự liều lĩnh để chộp lấy cơ hội; lối sống có phần khép kín của người Huế đã ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình hội nhập và phát triển văn minh của đô thị này…

Muốn phát triển Huế thành một đô thị văn minh hiện đại, phải đẩy nhanh quá trình thị dân hóa (buôn bán với quy luật cạnh tranh kinh tế), quá trình công nhân hóa (xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút đầu tư, tập trung ngày càng nhiều nguồn nhân lực lao động); và phát huy những ưu điểm, hạn chế những nhược điểm trong lối sống đô thị của con người Huế. Không giải quyết được những vấn đề này, tăng trưởng của đô thị sẽ yếu kém và trì trệ.

“Vì lẽ đó, phát triển đô thị Huế cần phải chú trọng đến sự kết hợp giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, địa hình, dân cư với tiềm năng thế mạnh của Thành phố. Làm được điều đó, hy vọng Huế sẽ phát triển nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng là Thành phố trực thuộc Trung ương như Đảng, Chính phủ và nhân dân kỳ vọng”, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh nhận định.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thua-thien-hue-truoc-van-hoi-moi-ky-1-giu-net-co-kinh-trong-long-do-thi-hien-dai-204241018212822509.htm