Thức ăn đường phố và nỗi lo mất an toàn thực phẩm
Thức ăn vỉa hè, thức ăn đường phố... là một phần không thể thiếu của văn hóa ẩm thực tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với sự hấp dẫn, tiện lợi là những nguy cơ tiềm ẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP), Công an Thành phố cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), thu giữ 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng không có nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ hàng hóa liên quan được thu mua trôi nổi trên thị trường. Đáng chú ý, số lạp xưởng này chủ yếu được đổ buôn cho các quán ăn vỉa hè…
Từ tâm lý “nhanh, tiện” của người tiêu dùng
21giờ đêm một ngày cuối tuần, phóng viên có mặt tại khu vực Đại học Công nghiệp Hà Nội, tại tuyến phố Nhổn, chỉ khoảng 10m có đến 6 xe hàng “xiên que” – gồm các loại thịt xiên theo cách gọi của giới trẻ, ngoài ra, còn có nhiều người bán các loại chân gà, cánh gà, nướng ngay tại mặt đường.
Dừng lại một hàng xe đẩy và vào vai khách mua hàng, qua trao đổi, chị chủ cho biết, buổi tối ở đây rất tấp nập, không chỉ sinh viên của trường mà thực khách còn đến từ nhiều nơi khác.
“Khu sinh viên nên không thể bán đắt, bù lại số lượng lớn thì sẽ có lãi thôi, tối nào tôi cũng bán hết gần 50kg các loai: xúc xích, cá viên, pho-mai,..”, chị kể.
Trò chuyện với VnBusiness, bạn Phạm Ngọc Hà (sinh viên năm 2 – Đại học Công nghiệp) cho biết: “Mỗi chiều đi học về em đều ăn xiên que ở cổng trường, vừa nhanh vừa tiện lại ngon nữa để kịp giờ đi đến chỗ làm thêm. Ở đây đồ rẻ, dán sẵn ăn mà giá chỉ từ 2.000-5.000 đồng/xiên, sinh viên như em thấy phù hợp”.
Không chỉ các xe hàng đồ ăn nhanh, mà ở còn đây đa dạng các loại thực phẩm để thực khách có thể lựa chọn: bánh mì, ngô luộc, giò, chả, xôi, thịt xiên, vịt quay… đến các loại hoa quả dầm, sinh tố,… Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng ăn uống đều bày biện trên các khay đựng đồ ăn sẵn mà không có tủ kính bảo quản.
Theo quan sát của VnBusiness, một trong những lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng ưa chuộng các quán ăn vỉa hè là khả năng tiết kiệm thời gian. Trong nhịp sống hối hả, nhiều người không có đủ thời gian để chuẩn bị bữa ăn tại nhà hoặc chờ đợi trong các nhà hàng truyền thống. Thức ăn vỉa hè thường được chế biến nhanh chóng và phục vụ ngay tại chỗ, giúp khách hàng tiết kiệm đáng kể thời gian.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm các quán ăn vỉa hè vô cùng dễ dàng, không mất quá nhiều công sức. Chỉ cần ra đường là có thể bắt gặp ở bất cứ con phố nào với đa dạng các món ăn ngon từ truyền thống đến hiện đại, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn và dễ dàng thay đổi khẩu vị mỗi ngày mà không cảm thấy nhàm chán.
Tâm lý “nhanh, tiện” là yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng lựa chọn các quán ăn vỉa hè. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi đó là những nguy cơ về an toàn thực phẩm mà cả người bán và người mua cần nhận thức và quản lý tốt. Việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là thực sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe chính mình cũng như người thân trong gia đình.
Đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Vụ việc thu giữ 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng không có nguồn gốc, xuất xứ tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) được đề cập ở trên chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp vi phạm bị các cơ quan chức năng phát hiện trong cả nước trong thời gian qua. Bằng cách nào đó, tình trạng trên vẫn âm thầm diễn ra và 'qua mặt' các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, để có thể bày bán các thực phẩm chín trên vỉa hè, theo quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố cần bố trí ở điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Thức ăn nhanh, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại.
Nơi chế biến, nơi bán thức ăn nhanh, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thức ăn nhanh, thực phẩm chín. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định. Người bán thức ăn đường phố phải được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Nhưng có lẽ rất ít điểm bán thức ăn đường phố bảo đảm đúng quy định trên. Các dụng cụ nấu nướng, bát đĩa, và bàn ghế thường không được làm sạch kỹ lưỡng, việc chế biến thực phẩm ngoài trời thu hút côn trùng như ruồi, gián có thể tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, nhiều người bán hàng vỉa hè sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, hoặc đã hết hạn sử dụng. Việc sử dụng các nguyên liệu không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thậm chí, một số quán ăn còn sử dụng các phụ gia thực phẩm không an toàn hoặc quá liều lượng cho phép, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trở lại với Tháng hành động vì an toàn thực phẩm của Thành phố Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sau 1 tháng ra quân đảm bảo ATTP của TP, trong Tháng hành động ATTP năm 2024, 701 đoàn kiểm tra từ TP đến các địa phương đã thanh kiểm tra gần 10.000 cơ sở, trong đó, số cơ sở đạt 8.465 cơ sở, 1.533 cơ sở vi phạm quy định về ATTP với tổng số tiền phạt gần 4,5 tỷ đồng.
Lỗi vi phạm của các cơ sở chủ yếu về điều kiện vệ sinh, không tuân thủ quy định về ATTP, không xuất trình được nguồn gốc thực phẩm, không phân khu riêng biệt thực phẩm sống và chín, điều này rất dễ gây nguy cơ mất ATTP.
Từ kết quả trên, các chuyên gia cho rằng, các quán ăn vỉa hè thường hoạt động tự phát và thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Việc thiếu các biện pháp kiểm soát định kỳ khiến nhiều quán ăn không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Thời gian tới, trong quá trình thanh, kiểm tra, các địa phương cần đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại labo để đánh giá chất lượng thực phẩm, từ đó sớm đưa ra cảnh báo đến người tiêu dùng”, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị.
Để giảm thiểu tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các quán ăn vỉa hè, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người bán cũng cần nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức và hãy nói không với những quán ăn vỉa hè không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.