Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon

Thị trường tín chỉ carbon đã được đề cập đến từ năm 2018 nhưng đến nay mới đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp do những yêu cầu từ các quốc gia phát triển.

Sử dụng hệ thống phát điện nhiệt dư cũng là cách để giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh: tietkiemangluong.com.vn)

Sử dụng hệ thống phát điện nhiệt dư cũng là cách để giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh: tietkiemangluong.com.vn)

Doanh nghiệp đã nhận thức được phải giảm phát thải

PGS.TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong 5 năm gần đây, mỗi năm ngành xi măng phát thải trung bình khoảng từ 62 - 70 triệu tấn CO2, trong đó, khâu sản xuất clinke là phát thải nhiều nhất, chiếm đến hơn 90% tổng lượng carbon phát thải ra trên một tấn xi măng. Hiện nay Việt Nam có hơn 60 nhà máy sản xuất xi măng trong toàn quốc và các doanh nghiệp (DN) xi măng đều đã nắm được việc phải giảm phát thải CO2 và từ năm 2026 Nhà nước sẽ chính thức giao hạn mức phát thải carbon cho từng nhà máy xi măng.

“Đến thời điểm này DN đã nhận thức được vấn đề và cũng đã có sự chuẩn bị khác nhau để đón nhận những quy định mới của Chính phủ cũng như các giải pháp để có thể giảm thiểu được lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất của mình” - ông Long khẳng định.

Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN thông tin, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế đã được khởi động và khởi đầu từ những năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm ấy các dự án tập trung chủ yếu từ những dự án về năng lượng tái tạo, thủy điện và một số các dự án cộng đồng với số lượng tín chỉ cũng không quá nhiều so với các nước trên thế giới. Nhưng hiện nay, tín chỉ carbon, thị trường carbon và những chủ đề có liên quan bắt đầu “nóng” lên trong xã hội và trong cộng đồng thì các DN đã bắt đầu tìm hiểu và tập trung nhiều hơn trong thời gian gần đây.

“Đây là một tín hiệu khá đáng mừng khi cùng với cam kết Net Zero của Chính phủ thì một số DN, đặc biệt là những DN lớn, các tập đoàn lớn và các DN đầu tư nước ngoài đã có những chú trọng vào việc phát triển các chiến lược xanh của nội tại DN và tạo nên một xu thế mà chúng ta hay gọi là chuyển đổi xanh trong cộng đồng các DN. Điều này tạo nên một mô hình lan tỏa rất tốt để chúng ta có thể khởi động cho một tương lai, một thị trường tín chỉ carbon mạnh trong khu vực và trên thế giới” - ông An nói.

Tuy nhiên, ông An khẳng định, hiện tại DN Việt đang thiếu rất nhiều yếu tố khi tham gia thị trường này, kể cả thị trường hạn ngạch, thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Đây thực sự là một thử thách không nhỏ đối với DN Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu, “cuộc chơi mà chúng ta chỉ có thể làm theo, chứ không được quyền từ chối không tham gia vào thị trường này” - ông An khẳng định.

Cần áp chế tài cho doanh nghiệp vượt quá mức phát thải

PGS.TS Lương Đức Long cho rằng, hiểu một cách đơn giản nhất là khi giảm được chi phí nhiên liệu thì chúng ta có thể giảm được phát thải. Hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế như nhiên liệu biomass, bởi theo quy định hiện nay nếu dùng biomass sẽ được tính suất phát thải bằng 0. “Do đó, nếu chúng ta chuyển được hoàn toàn nhiêu liệu than hoặc dầu hoặc khí thiên nhiên sang biomass thì phát thải từ quá trình nung sẽ bằng 0. Tất nhiên đấy là trường hợp lý tưởng nhưng nói như vậy để thấy cũng có cơ hội chuyển đổi cho ngành xi măng” - ông Long phân tích.

Ngoài ra, theo ông Long, một hình thức nữa hiện nay các DN Việt Nam cũng đang bắt đầu tích cực làm. Đó là sử dụng nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu thay thế có thể là biomass, có thể là rác thải của các quá trình công nghiệp khác như là giày da, dệt may hoặc là rác thải sinh hoạt. Ông Long cho biết, trong ngành xi măng hiện có khoảng hơn 10 nhà máy xi măng đã bắt đầu sử dụng nhiên liệu thay thế từ rác thải (khoảng 35 - 40% thay thế cho than). Hoặc đơn giản nhất là tiết giảm chi phí điện cũng có thể giảm lượng phát thải khá lớn.

Tuy nhiên, cần phải có chế tài để DN đồng loạt vào cuộc trong thực hiện giảm phát thải. Trước mắt cần phải giao hạn ngạch cho từng DN. Khi có hạn ngạch các DN sẽ biết rằng mình được phát thải bao nhiêu là tối đa. Những DN phát thải thực cao hơn mức được giao thì sẽ phải tìm cách giảm phát thải đi. Đây là một hiệu ứng tốt, hệ quả tốt cho DN.

Cùng với đó, có thể Nhà nước sẽ cần có chế tài đối với những DN phát thải vượt quá mức, chẳng hạn đo nồng độ bụi, đo các loại khí thải độc hại... nếu vượt quá thì yêu cầu DN phải đóng cửa. Hoặc nếu DN có tiền mua tín chỉ carbon của DN khác thì vẫn tiếp tục duy trì sản xuất và sẽ có thêm thời gian để cải tiến công nghệ hoặc đầu tư để có thể giảm, tức là vẫn duy trì được sản xuất và mức phát thải tiến tới giảm xuống mức đạt yêu cầu.

Điều này, theo ông Long sẽ tác động lớn đến DN đi mua bởi họ sẽ nhìn thấy một DN cùng ngành sản xuất nhưng lại thừa tín chỉ carbon để bán, có thể thu về nguồn kinh phí thì cũng là một động lực kích thích để cho các DN khác có thể tìm mọi biện pháp để giảm phát thải xuống. Như vậy, thị trường carbon sinh ra là một động lực rất tốt cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thuc-day-doanh-nghiep-tham-gia-thi-truong-tin-chi-carbon-post524004.html