Thúc đẩy hợp tác Nam – Nam vì một tương lai hài hòa ở châu Á – Thái Bình Dương
Vừa qua, tại Trung tâm quốc tế Vienna, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng đã chủ trì, điều hành Hội nghị 'Thúc đẩy hợp tác Nam – Nam vì một tương lai hài hòa ở châu Á – Thái Bình Dương' với sự tham gia của 23 nước thành viên nhóm châu Á – Thái Bình Dương (APG) và 5 báo cáo tham luận của các chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).
Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong năm 2025 của nhóm APG tại các tổ chức quốc tế ở Vienna do Việt Nam làm Chủ tịch.
Hội nghị đã nghe các chuyên gia của UNIDO phụ trách về các vấn đề năng lượng, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần toàn, hiệu quả tài nguyên, đổi mới sáng tạo trình bày về các vấn đề ưu tiên trong hợp tác Nam – Nam.
UNIDO cũng giới thiệu về các mô hình, chương trình hợp tác Nam – Nam và tam giác phát triển như sáng kiến chống biến đổi khí hậu (A2D), hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển bền vững (ScaleX), tiếp cận dựa trên danh mục đầu tư và các cơ hội xin dự án về năng lượng, kinh tế tuần hoàn từ các cơ chế tài trợ như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Quỹ Thích ứng với biến đổi khí hậu (AF).
Các nước APG đã thảo luận sôi nổi với nhiều đề xuất với UNIDO, đánh giá cao cách tiếp cận theo khu vực và các sáng kiến hợp tác kỹ thuật của UNIDO, nhấn mạnh UNIDO cần tiếp tục thiết kế các dự án phù hợp với nhu cầu đa dạng và trình độ phát triển của các nước.
Các nước đánh giá cao hoạt động của nhóm APG và vai trò Chủ tịch nhóm của Việt Nam, đề xuất cần tiếp tục có các hội nghị của khu vực để tìm them cơ hội, dự án mới, trao đổi về các mô hình, cách làm hay.
Trung Quốc cam kết sẵn sàng hợp tác với UNIDO và các nước khu vực về trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp và kinh tế xanh.
Các nước ASEAN mong muốn UNIDO hỗ trợ ASEAN triển khai các kế hoạch chiến lược trên các trụ cột kinh tế, văn hóa xã hội và kết nối thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hỗ trợ ASEAN phát triển kinh tế số; hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, trong đó có phát triển bền vững ở các tiểu vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp ASEAN tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), gia tăng tham gia vào các chuỗi cung ứng bền vững của khu vực, toàn cầu.