Thúc đẩy kinh tế biển phát triển

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 140/QÐ-TTg ngày 16/1/2025 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ðây là quy hoạch mang tầm chiến lược nhằm thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

Theo đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thuộc nhóm Cảng biển số 5, gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Ðồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Riêng tỉnh Long An thuộc nhóm Cảng biển số 4.

Ðến năm 2030 nhu cầu vốn khoảng 351.500 tỷ đồng

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 33.800 ha (bao gồm các khu vực phát triển cảng biển, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng), trong đó cảng biển là 17.300 ha.

Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000 ha (chưa bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải là 900.000 ha).

Ðối với cảng biển tỉnh Cà Mau, gồm khu bến Năm Căn; khu bến Ông Ðốc; bến cảng Hòn Khoai; bến cảng ngoài khơi cửa Sông Ðốc; bến cảng LNG và khu nổi tại khu vực biển Tây; các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.

Quy hoạch chung bến Cảng Hòn Khoai có đê chắn sóng, bao gồm một khu tạo bãi để xây dựng cho các tàu trọng tải lên đến 250 ngàn tấn cập bến, bến chuyển tiếp có thể đáp ứng cỡ tàu từ 5-100 ngàn tấn, khu bến cho tàu lai dắt, tàu tuần tra và dịch vụ cùng hệ thống tuyến cầu dẫn nối đảo Hòn Khoai vào đất liền khoảng 17 km, Khu Kinh tế Năm Căn 42 km. Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. Cảng Hòn Khoai khi được đầu tư sẽ trở thành cảng tổng hợp nước sâu lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Dự án là 1 trong 3 trụ cột vững chắc cho động lực phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Kiên Giang - Phú Quốc, Trà Vinh - Ðịnh An và Khu Kinh tế Năm Căn - Hòn Khoai.

Hòn Khoai được quy hoạch cảng biển cho các tàu trọng tải lên đến 250 ngàn tấn cập bến. Ảnh: THANH DŨNG

Hòn Khoai được quy hoạch cảng biển cho các tàu trọng tải lên đến 250 ngàn tấn cập bến. Ảnh: THANH DŨNG

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng một số công trình hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại đảo Hòn Khoai. Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các phương án xây dựng một số công trình để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên đảo. Sau thời gian ngắn triển khai, đến nay, Cục Kế hoạch và Ðầu tư (Bộ Quốc phòng) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khảo sát, đề xuất các phương án xây dựng một số công trình hạ tầng tại các vị trí phù hợp trên đảo.

Giải pháp thực hiện quy hoạch

Quyết định nêu rõ, thực hiện các giải pháp quy hoạch theo Quyết định số 1579/QÐ-TTg ngày 22/9/2021. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, chuyên dùng từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của các cảng biển.

Thứ hai, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng biển được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.

Thứ ba, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo hướng không thu phí hạ tầng đối với việc gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa nhằm đẩy mạnh năng lực vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế tổ chức giám sát thực hiện quy hoạch theo hướng tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trong hoạt động đầu tư cảng biển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch.

Thứ năm, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành về thống kê hàng hải đảm bảo tính khoa học, thống nhất, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các tổ chức, cá nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Nghiên cứu hình thành trung tâm dữ liệu chuyên ngành hàng hải, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thống kê.

Thứ sáu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành có liên quan nhằm tận dụng tối đa việc sử dụng bãi sông phù hợp với những thay đổi về điều kiện tự nhiên, thủy văn, mực nước, lưu lượng lũ, khả năng thoát lũ hiện nay để mở rộng, gia tăng quỹ đất đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông có mục đích công cộng (cảng đường thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn và công trình phụ trợ như kho, bãi, nhà điều hành...); đáp ứng sự tăng trưởng về nhu cầu vận tải thông qua hệ thống đường thủy, hàng hải; phát huy lợi thế, tiềm năng của hệ thống sông kết nối đến các cảng biển, giảm tải cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ.

Thứ bảy, nghiên cứu cơ chế quản lý đầu tư, khai thác các khu vực chứa chất nạo vét tại các cảng biển. Ưu tiên các khu vực định hướng quy hoạch cảng biển để chứa chất nạo vét, tạo mặt bằng cảng biển nhằm tận dụng tối đa tài nguyên.

Thứ tám, rà soát, sửa đổi và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư cảng biển có mô hình cảng xanh, thông minh, sử dụng công nghệ và nhiên liệu sạch, các bến cảng, bến cảng du lịch (bến khách, bến du thuyền) gắn kết chặt chẽ với vùng động lực về du lịch và hệ thống khu du lịch. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải theo quy định. Nghiên cứu và phát triển công nghệ sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải. Nâng cao khả năng thu gom nước thải, rác thải tại các cảng, bến, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu, phương tiện vận tải thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Thứ chín, nghiên cứu, xem xét Nhà nước đầu tư một số bến cảng chính, quan trọng cần thiết phải nắm giữ, quản lý trong quá trình kêu gọi, thu hút, xem xét chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cảng biển.

Theo quy hoạch có 5 nhóm cảng biển:

Nhóm Cảng biển số 1 gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình.

Nhóm Cảng biển số 2 gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế.

Nhóm Cảng biển số 3 gồm: Ðà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận.

Nhóm Cảng biển số 4 gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương và Long An.

Nhóm Cảng biển số 5 gồm: Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Ðồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Chí Công tổng hợp

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thuc-day-kinh-te-bien-phat-trien-a36926.html