Thúc đẩy nhập khẩu LNG cho sản xuất điện sạch
Với định hướng cơ cấu nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (điện sạch) chiếm khoảng 15% trong tổng quy mô nguồn năm 2030 theo quy hoạch điện VIII đã được thông qua, việc sớm có các chính sách phù hợp thúc đẩy nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là rất cần thiết để Việt Nam có thể thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công cũng như hiện thực hóa cam kết cắt giảm phát thải ròng tại COP26.
Theo các chuyên gia, khí LNG được coi là một nguồn năng lượng sạch hơn so với nhiều nguồn năng lượng hóa thạch khác như than đá và dầu mỏ. Việc sử dụng khí LNG trong sản xuất điện không chỉ giúp giảm phát thải ra môi trường mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng nhờ dễ dàng vận chuyển và sự đa dạng nguồn cung.
Tuy nhiên, việc phát triển thị trường LNG tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thách thức đầu tiên chính là việc xây dựng hạ tầng phục vụ nhập khẩu, tồn trữ và phân phối LNG với chi phí tối ưu đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện sạch cần có những cơ chế chính sách cụ thể hơn như các thỏa thuận thương mại dài hạn và tăng độ mở trong biên độ cho phép của giá điện để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho các nhà máy điện phát điện từ nguồn LNG nhập khẩu.
Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho việc phát triển điện khí.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) - một thành viên của PVN đang triển khai dự án điện khí LNG nhập khẩu cho biết, với đặc thù sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu bằng tàu chuyên dụng và vận chuyển từ các nước như Mỹ, Nga, Australia hay Trung Đông nên nấu chốt của việc phát triển các dự án điện LNG nhập khẩu chính là có cơ chế về sản lượng điện hợp đồng Qc (hợp đồng bao tiêu) phù hợp với khối lượng khí.
Bên cạnh đó, việc ký kết các hợp đồng mua bán khí dài hạn và ấn định khối lượng khí hàng năm là yêu cầu tiên quyết để có được nguồn khí LNG giá hợp lý, đảm bảo cho dự án điện LNG nhập khẩu hoạt động ổn định và hiệu quả. Vì vậy, việc cam kết sản lượng điện và khí nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của cả chuỗi dự án là rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để các nhà đầu tư quyết định đầu tư, đại diện PV Power cho biết.
Theo các chuyên gia, với quy định hiện hành, sản lượng điện Qc của các nhà máy điện nằm trong khoảng 60% tới 100% tùy thuộc vào đàm phán giữa các bên và theo nhu cầu huy động thực tế của hệ thống cũng như giá điện của nhà máy. Vì vậy, nếu việc đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao sẽ khiến chủ đầu tư các dự án điện khí LNG nhập khẩu khó vay vốn để triển khai và thu hồi chi phí. Đây chính là một trong những vướng mắc trong đầu tư các nhà máy điện khí LNG nhập khẩu cần sớm có các giải pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy điện LNG cũng đòi hỏi phải gần vị trí kho cảng nhập LNG trong khi kho cảng nhập LNG thì lại yêu cầu phải xây dựng gần cảng nước sâu để phục vụ cho tàu LNG trọng tải lớn. Vì vậy, cùng với yêu cầu vị trí xây dựng có thể đấu nối vào lưới truyền tải thì yêu cầu liên quan đến kho cảng LNG cũng đang là thách thức với các nhà đầu tư hiện nay.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, hiện Việt Nam chưa có khung biểu giá điện khí LNG, tỷ lệ bao tiêu và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG; an toàn trong hoạt động, vận chuyển, bốc dỡ, lưu trữ nhiên liệu khí LNG.
Trong khi đó, điện khí LNG là dạng chuỗi nhiên liệu, gồm nhiều mắt xích liên kết, trong đó khâu cảng và kho tồn trữ rất quan trọng, đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Việc chia nhỏ quy mô các địa điểm điện khí LNG như hiện nay sẽ làm giảm hiệu quả dự án. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm có những giải pháp để khắc phục bất cập này, ông Tạ Đình Thi khẳng định.
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu khoảng 8 tỷ m3 LNG vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.